Hầu hết mọi người đều có tivi ở phòng khách, máy tính bảng và điện thoại thông minh trong túi. Khi công nghệ tiếp tục phát triển và màn hình ngày càng được tích hợp vào cuộc sống hằng ngày, một số gia đình gặp khó khăn trong việc quyết định thời gian cho phép trẻ sử dụng thiết bị điện tử.
Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) đã thay đổi lời khuyên trong những năm qua. Trong nhiều năm, tổ chức này khuyến nghị trẻ em không nên xem màn hình quá hai giờ mỗi ngày.
Tuy nhiên, khi thiết bị điện tử ngày càng trở nên dễ mang theo, họ thừa nhận rằng, việc thực thi những giới hạn đó có thể khó khăn với nhiều vấn đề đặt ra.
Nếu trẻ 12 tuổi sở hữu điện thoại thông minh, phụ huynh sẽ làm cách nào để hạn chế tần suất con nhìn chằm chằm vào màn hình? Hoặc, nếu trẻ 9 tuổi sử dụng máy tính bảng để đọc sách, cha mẹ có nên đặt ra giới hạn thời gian nghiêm ngặt hay không?
Trẻ mới biết đi và thời gian sử dụng thiết bị là một chủ đề gây tranh cãi. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến nghị, trẻ dưới 18 tháng tuổi không nên xem màn hình. Trong khi đó, trẻ từ 18 đến 24 tháng tuổi chỉ được tiếp xúc với phương tiện kỹ thuật số chất lượng cao khi ở cùng cha mẹ hoặc người chăm sóc.
Một nghiên cứu được công bố từ tháng 10/2021 do Trường Đại học Vanderbilt (Mỹ) thực hiện đã cố gắng xác định xem trẻ mới biết đi có thực sự học được gì từ màn hình hay không?
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra xem liệu chúng thường xuyên xem những bức ảnh gia đình trên điện thoại thông minh của cha mẹ có hiểu được thực tế mà tấm ảnh đó truyền tải hay không.
Họ so sánh nghiên cứu của mình với những đứa trẻ vào những năm 1990. Đây là thời điểm mà những đứa trẻ không hiểu rằng, bức ảnh in có thể mô tả một tình huống thực tế và họ nhận thấy, trẻ em thời hiện đại cũng không có sự khác biệt.
Nghiên cứu gần đây được xây dựng dựa trên nghiên cứu đang diễn ra của GS.TS Georgene Troseth tại Vanderbilt. Chuyên gia này phát hiện, trẻ mới biết đi không học từ màn hình một mình mà dựa vào sự tương tác trực tiếp, mặt đối mặt với người lớn.
Nghiên cứu trong vài thập kỷ qua cho thấy, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không học tốt từ các phương tiện truyền thông, chẳng hạn như hình ảnh và video. Nghiên cứu mới xem xét liệu trẻ mới biết đi lớn lên trong môi trường chụp ảnh bằng điện thoại thông minh có thành công hơn trong việc áp dụng thông tin từ ảnh vào sự kiện thực tế so với các thế hệ trẻ em trước đây hay không.
GS Troseth cho biết: “Hình ảnh là một phần quan trọng trong phương tiện giáo dục dành cho trẻ em, chẳng hạn như sách, ứng dụng và video. Ngoài ra, hầu hết các cha mẹ đều có điện thoại thông minh. Điều đó nghĩa là trẻ em thường xuyên được xem những bức ảnh tự chụp của gia đình”.\
Các nhà nghiên cứu đã tự hỏi, liệu việc tiếp xúc với nhiều tấm ảnh tức thời của những người quen thuộc, bao gồm cả chính trẻ, có giúp các bé mới biết đi sử dụng hình ảnh để lấy thông tin hay không?
Trong một nghiên cứu năm 1994 (trước khi điện thoại thông minh được sử dụng rộng rãi), trẻ 2 tuổi được thử thách sử dụng hình ảnh để giải quyết một vấn đề. Trẻ được cho xem một bức ảnh chụp món đồ nội thất.
Nhóm nghiên cứu nói với trẻ rằng, có một món đồ chơi được giấu ở đó. Sau đó, trẻ có nhiệm vụ tìm món đồ chơi đó. Tuy nhiên, dường như trẻ không hiểu rằng, bức ảnh cung cấp thông tin liên quan đến thử thách của các em. Do đó, trẻ không sử dụng thông tin này để tìm đồ chơi ở phòng bên cạnh. Song, trẻ thành công hơn khi được nói cho biết về nơi tìm đồ chơi. Điều đó cho thấy, ở độ tuổi này, trẻ có thể hoàn thành nhiệm vụ khi có thông tin liên quan.
Khi các nhà nghiên cứu của Vanderbilt tiến hành thí nghiệm tương tự với một món đồ chơi giấu kín, họ nghĩ rằng trải nghiệm của trẻ khi được chụp ảnh thường xuyên và xem qua thư viện ảnh trên điện thoại của cha mẹ có thể giúp chúng nhận ra rằng, những bức ảnh đôi khi đại diện cho thực tế.
Tuy nhiên, khi được xem ảnh trên iPhone hoặc ảnh in trong những khung nhỏ, trẻ cũng không làm tốt hơn so với những người cùng lứa tuổi vào những năm 1990.
Tiến sĩ Troseth nói: “Tất cả những bức ảnh chụp của gia đình không giúp trẻ hiểu làm thế nào một bức ảnh có thể thể hiện một tình huống thực tế”.
Là một phần của thí nghiệm hiện đại, những đứa trẻ mới biết đi đã giúp nhà nghiên cứu chụp ảnh tức thì trên điện thoại thông minh để người khác tìm thấy đồ chơi. Điều này giúp trẻ hiểu rằng, hình ảnh có thể truyền tải một thông điệp.
Việc phát hiện ra rằng, trẻ em không học các khái niệm phức tạp sớm hơn từ màn hình không gây ngạc nhiên cho bác sĩ nhi khoa Kelly Fradin có trụ sở tại New York. Đồng thời, chuyên gia này bày tỏ rằng, cha mẹ không nên cảm thấy tội lỗi khi cho phép trẻ sử dụng thiết bị điện tử. Bởi, thực tế các chương trình chất lượng cao, như bao gồm bài hát và vần điệu, có thể mang tính giáo dục và giúp phát triển kiến thức truyền thông cũng như kỹ năng nhận thức.
Tiến sĩ Fradin gợi ý, phụ huynh có thể trò chuyện điện thoại với một thành viên trong gia đình và ‘kết nối’ với một đứa trẻ trong khi bản thân vẫn đang hoàn thành nhiệm vụ cần thiết như chuẩn bị bữa ăn.
Tuy nhiên, chuyên gia này cảnh báo, đừng nghĩ rằng, con mình cần dành thời gian học chữ cái từ một ứng dụng. Nhiều đồ chơi và thậm chí cả bàn chải đánh răng có kết nối wifi. Việc xem xét chi phí và lợi ích của những công cụ “thông minh” này là vô cùng quan trọng.
Bên cạnh đó, đọc, nói chuyện và hát cho trẻ nghe đều là những cách đơn giản để thúc đẩy việc học tập của các bé.
BS Kelly Fradin nói: “Cho phép trẻ mới biết đi tham gia vào các công việc gia đình như chuẩn bị bữa ăn hoặc giặt giũ có thể là một trải nghiệm học tập và giác quan phong phú. Đếm đồ ăn nhẹ và mô tả màu sắc, hình dạng cũng như vị trí (đầu tiên, trên, trong…) là những hoạt động thú vị, miễn phí và dễ dàng khác”.
Các cha mẹ cũng cần nhớ rằng, ngay cả khi có điều gì đó trông không mang tính “giáo dục” - chẳng hạn như trẻ xếp hàng ô tô đồ chơi, xếp hình hoặc chạy vòng tròn, thì vui chơi tự do vẫn mang lại những lợi ích đáng kể cho cả giáo dục và lòng tự trọng của trẻ.
Đối với một số gia đình, thời gian ngồi trước màn hình đã dần chiếm lấy cuộc sống của họ. Trẻ em đang “chúi mũi” vào các thiết bị điện tử và bỏ lỡ cơ hội được nhìn ngắm thế giới. Ở nhiều gia đình, các thành viên ngồi cùng nhau trong phòng khách, nhưng vẫn nhìn chằm chằm vào điện thoại thông minh của họ.
Nếu gia đình đã hình thành một số thói quen không lành mạnh, việc cai nghiện kỹ thuật số có thể hữu ích. Điều đó không có nghĩa là cần tránh sử dụng màn hình trong một thời gian dài. Việc rút phích cắm các thiết bị công nghệ trong thời gian ngắn có thể chỉ là bước nghỉ ngơi mà mọi người cần để phát triển một số thói quen lành mạnh hơn.
Việc sử dụng phương tiện truyền thông quá mức có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi, cảm xúc và học tập. Trẻ có thể cần ngừng sử dụng thiết bị điện tử nếu các thành viên trong gia đình vướng vào những cuộc tranh giành quyền lực. Nếu trẻ tranh cãi mỗi khi cha mẹ yêu cầu con tắt tivi hoặc máy tính, việc ngừng sử dụng thiết bị điện tử có thể giúp chúng trở nên tuân thủ hơn.
Trẻ cũng cần bị hạn chế thời gian sử dụng công nghệ, nếu ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị này. Các nghiên cứu ước tính, trung bình, một đứa trẻ dành tới 8 giờ mỗi ngày cho thiết bị điện tử. Nếu trẻ có thói quen chơi điện tử hàng giờ hoặc muốn xem tivi không giới hạn mỗi ngày, thì việc cai thiết bị công nghệ có thể cho chúng cơ hội khám phá những sở thích khác.
Một dấu hiệu khác mà cha mẹ cần chú ý đó là các thành viên gia đình đã hình thành một số thói quen xấu do sử dụng thiết bị điện tử. Một số thói quen xấu có thể là: Xem tivi trong bữa ăn, nhắn tin cho nhau từ phòng này sang phòng khác thay vì nói chuyện trực tiếp, ngủ với điện thoại thông minh cạnh giường hoặc phớt lờ nhau để sử dụng mạng xã hội.
Theo Very well family
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn