Mặc dù tin vào ông già Noel là truyền thống được trẻ em yêu thích, nhưng một số cha mẹ không còn tin vào huyền thoại này nữa. Những phụ huynh này cho rằng, họ nên trung thực với trẻ về ông già Noel ngay từ đầu.
Một số phụ huynh cảm thấy rằng, việc cho phép trẻ em tin vào ông già Noel là một phần của điều kỳ diệu mà Giáng sinh mang lại. Câu hỏi được đặt ra là: Liệu, có câu trả lời đúng hay sai cho cuộc tranh luận về ông già Noel không?
Theo nhà tâm lý học lâm sàng Carolyn Ievers- Landis, Tiến sĩ tại Bệnh viện Đại học Rainbow Babies & Children (Mỹ), câu trả lời là không. Các gia đình có thể chọn cách mà họ cảm thấy thoải mái nhất. Ngoài ra, có rất ít nguy cơ gây chấn thương cho trẻ, bất kể cha mẹ quyết định ra sao.
Theo TS Ievers-Landis, trẻ em có tư duy kỳ diệu cho đến năm 6 tuổi. Đó là một phần hoàn toàn bình thường trong quá trình phát triển của trẻ. Tư duy kỳ diệu là niềm tin rằng, suy nghĩ có thể ảnh hưởng hoặc thay đổi các sự kiện trong thế giới xung quanh mình. Điều này mang lại cho trẻ nhỏ một trí tưởng tượng rất phong phú, ngay cả trong trò chơi và cuộc sống hằng ngày.
“Trẻ em không cần phải sống thực tế. Việc trẻ nghĩ về mọi thứ theo cách kỳ diệu là điều bình thường”, TS Ievers-Landis cho biết.
Thế nên, những nhân vật tưởng tượng và huyền thoại, chẳng hạn như ông già Noel, cô tiên răng và thậm chí cả công chúa Disney có thể rất thực đối với trẻ nhỏ. Việc cha mẹ cho phép trẻ tin tưởng, ngay cả khi cuối cùng chúng tìm ra sự thật, sẽ không gây chấn thương về tâm lý hoặc gây hại cho sự phát triển của các bé. Mặc dù, trẻ có thể có phản ứng cảm xúc lúc đầu, nhưng điều này thường không kéo dài.
“PTSD (rối loạn căng thẳng sau chấn thương) là do chấn thương thực sự mà trẻ em trải qua, chứ không phải do phát hiện ra rằng, ông già Noel không có thật. Nếu trẻ bị chấn thương khi phát hiện ra huyền thoại về ông già Noel, thì có điều gì đó khác đang xảy ra, chẳng hạn như rối loạn tâm lý”, TS Ievers-Landis cho biết.
Cha mẹ nên biết rằng, một số khía cạnh của huyền thoại về ông già Noel có thể bị đi quá xa, chẳng hạn như mô tả nhân vật này là một đấng toàn năng chỉ tặng quà cho những đứa trẻ “ngoan”. TS Ievers-Landis cảnh báo, đây có thể không phải là chiến thuật nuôi dạy con lành mạnh nói chung. Do đó, tốt nhất là các phụ huynh nên tránh đóng khung ông già Noel theo cách này.
Tiến sĩ Ievers-Landis cũng nói rằng, hoàn toàn ổn nếu cha mẹ chọn không dạy con rằng, ông già Noel là nhân vật có thật. Thay vào đó, phụ huynh có thể tập trung vào các khía cạnh khác của Giáng sinh quan trọng đối với gia đình mình, như niềm vui khi cho đi. Hãy cho trẻ biết rằng, mặc dù gia đình mình không tin vào ông già Noel, nhưng các gia đình khác thích giả vờ và điều đó cũng không sao cả. Chuyên gia này gợi ý: “Hãy dạy trẻ rằng, các gia đình đều khác nhau và có tín ngưỡng khác nhau, giống như cách cha mẹ dạy con tôn trọng tôn giáo hoặc nền văn hóa khác”.
“Điều quan trọng nhất là phụ huynh cần tránh làm bản thân xấu hổ, bất kể quyết định là gì. Có nhiều lựa chọn nuôi dạy con hợp lệ và việc phán xét người khác vì họ lựa chọn khác với mình là không nên. Cha mẹ thường cảm thấy tội lỗi và tự hỏi bản thân, nhưng tất cả chúng ta đều đang cố gắng hết sức và cần chấp nhận rằng, không phải ai cũng có cùng niềm tin về cách đối xử với ông già Noel. Tuy nhiên, mọi người đều đang làm những gì họ nghĩ là đúng đắn cho gia đình mình”, TS Ievers-Landis nêu quan điểm.
Trong khi đó, theo bà Vanessa LoBue - Giáo sư tâm lý học tại Đại học Rutgers-Newark chuyên về sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em (Mỹ) cho biết, ông già Noel vẫn là một nhân vật gây tranh cãi giữa nhiều nhà khoa học và phụ huynh.
Có vô số cuốn sách về chủ đề này, bao gồm “The Myths that Stole Christmas”. Trong đó, cuốn sách tuyên bố rằng truyền thuyết về ông già Noel không tốt cho trẻ em. Lập luận chính được đưa ra là: Việc kể về một nhân vật kỳ diệu tặng quà cho trẻ em trên khắp thế giới vào đêm Giáng sinh là một lời nói dối. Lời nói dối này có thể xuất phát từ ý định tốt, nhưng dù sao thì đó vẫn là lời nói dối.
Trong khi đó, lời nói dối chắc chắn sẽ bị phát hiện vào một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển của trẻ. Lập luận này cho rằng, việc tìm ra sự thật có thể gây chấn thương cho trẻ em. Đồng thời, sẽ truyền tải thông điệp rằng, trẻ em không thể tin tưởng những gì cha mẹ nói với mình.
Hơn nữa, nói dối để khuyến khích hành vi tốt là hành vi thao túng và khuyến khích trẻ em cư xử vì những lý do sai trái.
Giáo sư Vanessa LoBue dẫn chứng, có một số bằng chứng cho thấy, phần thưởng (như quà tặng Giáng sinh) làm suy yếu động lực của trẻ em. Vì vậy, có lẽ việc dựa vào ông già Noel hoặc một chú yêu tinh trong truyện để thúc đẩy hành vi tốt không phải là chiến lược tốt nhất nếu cha mẹ muốn con mình ngoan. Song, không có bằng chứng nào cho thấy, việc biết sự thật về ông già Noel sẽ gây chấn thương cho trẻ em, hoặc dẫn đến các vấn đề về lòng tin giữa con với cha mẹ.
“Huyền thoại về ông già Noel là một lời nói dối. Tất cả trẻ em cuối cùng đều phát hiện ra sự thật. Tuy nhiên, nghiên cứu về chủ đề này cho thấy, trẻ em có xu hướng tự mình khám phá ra sự thật về ông già Noel khi chúng khoảng 7 tuổi.
Trong hầu hết các trường hợp, không có tiết lộ lớn nào mà cha mẹ phải xấu hổ thú nhận sự thật với những đứa trẻ đang khóc lóc và thất vọng của mình. Thực tế, phản ứng của trẻ thường là tích cực”, chuyên gia Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trẻ em cho biết.
Giáo sư Vanessa LoBue chia sẻ, ký ức của bà về việc phát hiện ra sự thật về ông già Noel phù hợp với nghiên cứu này. Sự thật không giống như một tiết lộ gây chấn thương mà giống như việc giải một câu đố hơn. Khi còn nhỏ, bà đã giải được bí ẩn và cảm thấy thật tuyệt khi tự mình phát hiện ra. Theo chuyên gia này, tưởng tượng nói chung là một phần bình thường và lành mạnh trong quá trình phát triển của trẻ em.
Trẻ em dành nhiều thời gian để tưởng tượng, đặc biệt là trong độ tuổi từ 5 - 8. Trẻ cũng liên tục tiếp xúc với các phương tiện truyền thông mà động vật có thể nói chuyện, con người có thể bay và các vật thể kỳ diệu xuất hiện từ hư không. Các suy nghĩ về phép thuật ở trẻ giảm dần trong độ tuổi từ 7 - 9. Song, suy nghĩ đó không biến mất mãi mãi. Đôi khi, người lớn chúng ta cũng cần một chút phép thuật trong cuộc sống, ví dụ như khi tận hưởng sự phấn khích của những ngôi nhà “ma ám” và cầu nguyện cho những người thân yêu đã khuất.
Trong khi đó, bà Ojus Patel - nhà văn, biên tập viên và cựu giáo viên tại Mỹ chia sẻ, việc tin vào điều gì đó mà chúng ta không thể nhìn thấy hoặc chứng minh là một kỹ năng sống thực sự cần thiết. Đây là kỹ năng mà trẻ sẽ cần khi lớn lên để tin vào bản thân, bạn bè và những người thân yêu, cũng như bạn đời và gia đình tương lai.
Trẻ cần kỹ năng này để tin vào lòng tốt và hy vọng. Đồng thời, thúc đẩy bản thân tiếp tục vượt qua những con đường chông gai.
Trẻ cũng sẽ cần khả năng tin tưởng này để nuôi dưỡng trái tim nhân hậu, rộng lượng, hiểu cách mở lòng trắc ẩn và sự tha thứ. Trẻ sẽ cần niềm tin đó để tin vào phép thuật vô hình của thế giới - thiên nhiên, sự sáng tạo, sự tiến triển, phát triển. Từ đó, cân nhắc cách nuôi dưỡng và bảo vệ tất cả những điều kỳ diệu này.
“Nghiên cứu về tâm lý học phát triển cho thấy, việc tưởng tượng những điều không thực tế sẽ rèn luyện và xây dựng lý luận nhận thức mạnh mẽ cũng như phát triển cảm xúc. Đó là kiểu suy nghĩ nằm ở gốc rễ của mọi phát minh và khám phá khoa học lớn”, bà Ojus Patel cho biết.
Nhiều bậc cha mẹ cảm thấy ngần ngại khi tạo ra truyền thống ông già Noel trong gia đình mình vì họ không chắc bản thân sẽ nói gì về sự thật. Bà Ojus Patel dẫn chứng, một số nghiên cứu cho thấy, cha mẹ thực sự buồn bã hơn con mình khi trẻ biết sự thật về ông già Noel.
“Trẻ em sẽ học cách phân biệt tưởng tượng với thực tế như thế nào? Phần lớn thời gian, trẻ em dựa vào những gì người khác nói với chúng. Trẻ em phải dựa vào lời của cha mẹ vì chúng vẫn còn nhiều điều phải học về cách thế giới vận hành. Chúng cũng dựa vào bằng chứng để chứng minh một điều gì đó là sự thật hay hư cấu”, Giáo sư Vanessa LoBue giải thích.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn