Đi tìm nguyên nhân căn bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em
Rối loạn tăng động giảm chú ý ở trẻ em ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập, giao tiếp và phát triển toàn diện. Nguyên nhân của bệnh cho tới nay vẫn chưa được xác định cụ thể nhưng theo các nhà nghiên cứu, nó không chỉ đơn thuần xuất phát từ một yếu tố duy nhất mà thường là sự kết hợp của nhiều yếu tố di truyền, môi trường.
Về mặt di truyền, các nghiên cứu cho thấy trẻ có người thân trong gia đình mắc bệnh này hoặc các rối loạn tâm thần khác sẽ có nguy cơ cao hơn. Sự mất cân bằng của các chất dẫn truyền thần kinh trong não như dopamine và norepinephrine được cho là liên quan đến tình trạng này.
Người mẹ tiếp xúc với chất độc hại trong thai kỳ, sử dụng thuốc lá, rượu bia hoặc các chất kích thích khác trong quá trình mang thai có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh, tương tự như các trường hợp sinh non hoặc nhẹ cân khi sinh.
Một đứa trẻ lớn lên trong môi trường sống căng thẳng, thiếu sự chăm sóc và hỗ trợ từ gia đình hoặc phải đối mặt với những trải nghiệm tiêu cực trong giai đoạn đầu đời như bị bỏ rơi… cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và gây ra các triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý.
Để nhận biết trẻ mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý- không khó
Khi quan sát trẻ, cha mẹ không khó khăn để nhận ra những triệu chứng của căn bệnh này. Phần lớn các trường hợp tăng động giảm chú ý được chẩn đoán khi trẻ 6 tuổi, muộn nhất từ 8-10 tuổi, đặc biệt khi môi trường xung quanh trẻ thay đổi, trẻ bước vào tuổi đến trường. Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường khó tập trung, dễ bị phân tán bởi những kích thích nhỏ xung quanh và khó hoàn thành các nhiệm vụ đơn giản như làm bài tập hoặc dọn dẹp. Các em cũng thường gặp khó khăn trong việc tổ chức và quản lý thời gian. Trẻ thường không ngừng vận động, chạy nhảy hoặc nói chuyện không ngừng, ngay cả khi không phù hợp với hoàn cảnh. Bốc đồng là triệu chứng phổ biến khác, thể hiện qua việc trẻ hành động mà không suy nghĩ trước, chẳng hạn như trả lời câu hỏi khi chưa được gọi tên hoặc chen ngang vào cuộc trò chuyện của người khác hoặc không thể chờ đợi đến lượt mình trong các hoạt động nhóm… Trẻ mắc tăng động giảm chú ý thường là những cá thể mất kiên nhẫn, dễ cáu kỉnh. Tính cách và những biểu hiện của căn bệnh này không chỉ gây khó khăn cho trẻ trong học tập mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ với gia đình và bạn bè.
Khi mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý, trẻ cũng thường gặp vấn đề với giấc ngủ, chẳng hạn như khó đi vào giấc ngủ hoặc dễ thức giấc vào ban đêm, làm tăng thêm sự mệt mỏi và khó tập trung vào ban ngày. Những khó khăn này thường kéo dài và có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống của trẻ nếu không được can thiệp kịp thời.
Có thể điều trị bệnh mà không dùng thuốc được không?
Trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể được điều trị bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý hoặc kết hợp cả hai phương pháp này nhằm giúp giảm nhẹ các triệu chứng và sự ảnh hưởng của chúng đến cuộc sống hàng ngày.
Điều trị bệnh không dùng thuốc đang ngày càng được nhiều phụ huynh và chuyên gia quan tâm vì nó giúp giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ từ các loại thuốc điều trị. Một trong những phương pháp hiệu quả là áp dụng liệu pháp hành vi, giúp trẻ học cách kiểm soát hành vi và phát triển kỹ năng quản lý thời gian. Cha mẹ và giáo viên có thể làm việc cùng với chuyên gia tâm lý để xây dựng các chiến lược hỗ trợ trẻ trong việc tập trung và xử lý tình huống. Liệu pháp can thiệp giáo dục cũng rất quan trọng, bao gồm việc tạo ra môi trường học tập phù hợp, sử dụng các công cụ hỗ trợ như bảng biểu, lịch trình rõ ràng để giúp trẻ tổ chức công việc tốt hơn. Ngoài ra, liệu pháp tương tác xã hội, như tham gia các nhóm hỗ trợ hoặc câu lạc bộ ngoại khóa, có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng giao tiếp và cảm giác tự tin.
Thêm vào đó, các hoạt động thể chất có thể giúp trẻ giảm căng thẳng và cải thiện khả năng chú ý. Một chế độ ăn uống cân bằng, giàu dinh dưỡng cũng đóng vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ trẻ kiểm soát các triệu chứng của bệnh. Việc hạn chế tiêu thụ đường và các thực phẩm chứa phụ gia, đồng thời tăng cường các thực phẩm giàu omega-3 như cá hồi, hạt chia được cho là có lợi cho sự phát triển não bộ.
Với trẻ mắc bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý, cha mẹ cần đầu tư thời gian cho con mình nhiều hơn so với cha mẹ của những đứa trẻ bình thường. Chỉ có cha mẹ với tình yêu thương vô bờ bến và cả sự hiểu biết, nhẫn nại mới có thể dành thời gian trò chuyện và lắng nghe con cái, tạo dựng mối quan hệ gần gũi để trẻ cảm thấy được yêu thương và hỗ trợ. Cũng chính là cha mẹ mới là người đảm bảo cho trẻ có một lịch trình và không gian ngủ hợp lý, yên tĩnh- yếu tố tạo nên giấc ngủ ngon, hỗ trợ trẻ trong quá trình điều trị bệnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn