Hầu hết các bà mẹ nuôi con nhỏ đều chia sẻ rằng có những giai đoạn cảm thấy thực sự bất lực vì con quá lười ăn, chẳng chịu bú sữa. Mẹ có tìm cách đổi 7749 loại bình hay thay đổi chế độ ăn - ngủ... thì bé vẫn chẳng chịu hợp tác. Lúc ấy mẹ cực kỳ bất lực nhưng cũng không biết khắc phục bằng cách nào.
Mới đây, một bà mẹ trẻ trên MXH đã chia sẻ khoảnh khắc khiến hội chị em phì cười. Trong ảnh, cô bé đang tỏ thái độ không vui, nhăn mặt, bĩu môi như sắp khóc đến nơi vì không thích bú sữa. Không chỉ vậy, em bé còn nắm chặt bàn tay, mếu máo. Biểu cảm này khiến ai nấy cũng thương, đến bà mẹ đang bực lắm vì con không chịu ăn cũng phải mềm lòng.
Dưới phần bình luận, hội chị em nghĩ ra đủ cách giúp mẹ bỉm đỡ stress: "Thôi phải cho nhịn đói vài tiếng thôi", "Cưng xỉu thế kia ai mà nỡ giận", "Thôi không ăn thì thôi, đừng khóc, cô thương", "Con mình vừa thế này sáng nay xong, thật là chỉ muốn đánh cho vài phát nhưng nhìn mặt mếu máo lại thương"...
Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tuy nhiên, khi các bà mẹ phải sớm trở lại làm việc thì việc cho con bú trực tiếp rất khó khăn, do đó các bà mẹ thường vắt sữa ra bình hoặc chuyển sang cho trẻ uống sữa ngoài hoàn toàn.
Việc các em bé đã quen với việc bú trực tiếp từ vú mẹ sẽ rất khó chuyển sang bú bình do sự khác biệt. Dưới đây là một số lời khuyên mà bạn có thể thử để giúp bé tập cách bú bình:
1. Đừng cho trẻ bú bình khi quá đói
Khi đói, trẻ thường rất khó chịu và nếu như trẻ đang bú mẹ thì việc cho trẻ bú bình khi đói sẽ vô cùng khó khăn. Việc làm quen với núm vú giả bằng silicon không hề đơn giản đối với trẻ nhỏ, do đó bạn hãy thử cho bé bú bình khi bé có tâm trạng tốt và cởi mở hơn.
2. Để ngón tay của bạn dưới núm vú giả
Có thể hơi kì lạ nhưng việc đặt ngón tay dưới núm vú giả làm cho núm vú giả có màu hồng hào như vú của mẹ. Điều này sẽ làm cho trẻ có cảm giác quen thuộc hơn, trẻ sẽ dễ dàng quen với núm vú giả theo cách đó và uống sữa từ bình một cách dễ dàng.
3. Thay phiên cho trẻ ngậm núm vú giả và bình bú
Một bà mẹ đã chia sẻ rằng nên rèn luyện phản xạ mút của trẻ bằng cách cho trẻ ngậm núm vú giả trong miệng rồi sau đó thay thế bằng bình bú. Trẻ sẽ quen dần và bú bình một cách thoải mái hơn.
4. Hương vị sữa của bạn
Sữa mẹ có chứa một loại enzyme là lipase giúp phân giải chất béo và làm sữa mẹ dễ tiêu hóa cho trẻ. Tuy nhiên, hàm lượng lipase cao có thể khiến sữa mẹ có vị như xà phòng hoặc kim loại, đây có thể là một trong những lý do khiến bé không uống khi sữa mẹ được vắt ra bình. Để tránh điều này, bạn nên học cách vắt sữa mẹ cho trẻ đúng cách.
5. Sử dụng núm vú chảy chậm
Khi bú trẻ sơ sinh mút sữa từ núm vú giả, sữa ra nhiều có thể khiến cho trẻ khó chịu hoặc bị sặc. Do đó, việc lựa chọn một bình sữa có núm vú chảy chậm sẽ làm cho trẻ có cảm giác quen thuộc như bú mẹ và bú dễ dàng hơn. Đôi khi trẻ sẽ lại từ chối vú mẹ khi đã quen với núm vú giả có dòng chảy ổn định.
6. Nhờ người khác cho trẻ bú bình
Việc mẹ bế và cho trẻ bú bình có thể gây khó chịu cho trẻ khi cách bú và hương vị sữa không giống như bú trực tiếp từ mẹ. Do đó, bạn nên nhờ một người thân khác trong gia đình giúp đỡ khi cho trẻ bú bình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn