Một năm thăng trầm và kỳ vọng dần sáng hơn
Hai năm Covid với nhiều nhà đầu tư (NĐT) quả thực là đáng nhớ, nhưng năm 2022 cũng thật khó quên. Bước vào đầu năm 2022, thị trường chứng khoán (TTCK) duy trì đà tăng mạnh và lập đỉnh lịch sử (1.528 điểm - 6/1/2022), nhưng sau đó chuyển nhanh sang trạng thái điều chỉnh mạnh, có thời điểm về mức xung quanh 900 điểm. Thị trường giảm đột ngột không chỉ về điểm số mà thanh khoản cũng giảm sâu.
Nhiều NĐT đang trong thế “cứ mua là thắng” bất chợt chuyển nhanh sang thua lỗ và “càng níu kéo càng đau lòng”, nhất là những NĐT F0 vì họ chưa có kinh nghiệm để bảo vệ thành quả hay cắt lỗ. TTCK năm 2022 như 3 thái cực: Thăng chặng đầu – trầm chặng giữa – bình ổn hơn chặng cuối. Gắn với 3 thái cực đó cũng để lại cảm xúc đối với những người tham gia trên thị trường năm qua: Hưng phấn rồi thất vọng và sau đó là trấn tĩnh lại.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) đánh giá, TTCK Việt Nam năm 2022 nhiều “sóng gió” và bất ngờ với những sự kiện có ảnh hưởng lớn tới xu hướng thị trường và niềm tin của NĐT. “Những khó khăn của 2022 có thể sẽ kéo dài sang năm 2023, tuy nhiên triển vọng năm 2023 sẽ có những chuyển biến tích cực hơn khi lạm phát giảm dần, lãi suất có xu hướng tạo đỉnh và giảm dần; áp lực lên tỷ giá giảm, chính sách tiền tệ sẽ nới lỏng dần và dòng tiền lớn trở lại khi định giá đang ở vùng hấp dẫn;…” - ông Ngọc cho biết thêm.
Ảnh: Duy Dũng
Bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cũng chia sẻ, nhìn lại TTCK năm 2022 vừa qua, có thể thấy đây là một năm đầy thử thách đối với ngay cả những chuyên gia và NĐT lão luyện nhất trên thế giới. Hàng loạt những sự kiện “thiên nga đen” trên thế giới như xung đột Nga - Ukraine, đứt gãy chuỗi cung ứng, lạm phát cao kỷ lục buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ một cách quyết liệt. Ở trong nước, những sai phạm của nhiều doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến niềm tin vào thị trường của các NĐT nhỏ lẻ. “Nhìn lại một năm đầy thăng trầm vừa qua, có lẽ tất cả chúng ta đều đã đúc kết được những bài học quý giá trong đầu tư như: kiểm soát rủi ro danh mục đầu tư; cần tỉnh táo và duy trì góc quan sát đa chiều, tiếp nhận các thông tin chính thống;… ” - bà Khánh Hiền nói.
Theo ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), nếu nhìn trong dài hạn, hoạt động thanh lọc thị trường của Chính phủ góp phần xây dựng TTCK ngày một phát triển, minh bạch, đáng tin cậy và bền vững hơn. “Song song với xu hướng tăng trưởng của nền kinh tế cũng như thị trường tài chính, tiềm năng phát triển của TTCK Việt Nam là không thể phủ nhận” - ông Trần Đức Anh nói.
Kịp thời củng cố niềm tin cho nhà đầu tư
TTCK phát triển nhanh chóng, nhưng cũng điều chỉnh nhanh và mạnh đã vượt xa mọi dự đoán của nhiều thành viên thị trường. Điều đó không chỉ tạo ra “sang chấn tâm lý” với nhiều NĐT cá nhân, mà còn đặt ra nhiều thách thức mới cho công tác quản lý, giám sát thị trường của cơ quan quản lý.
Trong bối cảnh đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ rất quan trọng, không chỉ đảm bảo cho thị trường phát triển an toàn, ổn định và tôn trọng quy luật cung – cầu, mà còn phải giữ kỷ cương, kỷ luật để củng cố niềm tin cho NĐT. Nhìn lại năm 2022, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), cũng như các đơn vị liên quan đã kịp thời đưa ra nhiều giải pháp và động thái hiệu quả, nhanh chóng giúp thị trường trấn tĩnh và hồi phục.
Giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch tăng hơn 12%
Theo số liệu từ UBCKNN, tính đến ngày 28/12/2022, chỉ số VN-Index đạt 1.015,66 điểm, giảm 32,2%; chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 206,04 điểm, giảm 56,5% so với cuối năm 2021. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu tính đến 23/12 đạt 5.278 nghìn tỷ đồng, giảm 32% so với cuối năm 2021, tương đương 62,2% GDP. Giá trị giao dịch bình quân đạt 20.368 tỷ đồng/phiên, giảm 23,4% so với bình quân năm trước.
Ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết, trong năm 2022, UBCKNN đã chủ động, tích cực hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý theo đúng chương trình đề ra. Đồng thời, trong giai đoạn thị trường điều chỉnh, các giải pháp bình ổn thị trường được tổ chức thực hiện quyết liệt như: yêu cầu các sở giao dịch chứng khoán công bố số liệu giao dịch tự doanh của các công ty chứng khoán; yêu cầu doanh nghiệp giải trình khi có 5 phiên tăng trần/giản sàn; thực hiện điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng trong ngày đáo hạn phái sinh;… giúp nâng cao tính minh bạch và được thị trường đánh giá cao.
Cùng với đó, chu kỳ thanh toán giao dịch chứng khoán cũng đã được rút ngắn về chu kỳ T+2 từ ngày 29/8/2022. Mới đây nhất, kể từ ngày 15/12/2022, tỷ lệ ký quỹ ban đầu đối với hợp đồng tương lai chỉ số VN30 cũng được nâng từ 13% lên 17%.
UBCKNN cũng đã kịp thời thông tin, tuyên truyền, cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, TTCK nhằm tăng cường minh bạch cho thị trường.
Trong năm qua, UBCKNN tiếp tục triển khai tái cấu trúc TTCK, tăng cường công tác quản lý công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán. Hoạt động thanh tra, giám sát, xử lý vi phạm đã được đẩy mạnh nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật trên thị trường trong bối cảnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp.
Tăng “chất” cho hàng hóa và nền tảng cơ sở thị trường
Năm 2023, nền kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều thách thức và bất định,... qua đó, tác động đến đời sống người dân, làm giảm sức phục hồi của doanh nghiệp. Nhìn nhận những vấn đề còn tồn tại trong năm 2022 và để thực hiện chương trình công tác năm 2023, Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho biết, cơ quan quản lý sẽ tích cực, chủ động, triển khai các giải pháp để TTCK phát triển ổn định, hiệu quả.
Theo đó, UBCKNN sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường, trong đó tập trung hoàn thành đề án Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 với mục tiêu chính là phát triển thị trường theo hướng bền vững thông qua việc nâng cao chất lượng hàng hóa và nền tảng cơ sở của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ trong quản lý và điều hành. Đồng thời, rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và văn bản hướng dẫn để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định, nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc.
Cùng với việc tập trung sớm đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin mới, UBCKNN tiếp tục tái cấu trúc TTCK, tăng cường quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tập trung giám sát, kiểm tra việc cho vay giao dịch ký quỹ đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên thị trường.
Ngoài ra, song hành với các công tác thông tin tuyên truyền, “bên cạnh việc tiếp tục các giải pháp về nâng hạng thị trường, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế, tổ chức đối thoại thường xuyên với các cơ quản quản lý các nước, các tổ chức quốc tế để có giải pháp, chính sách phù hợp với tình hình thế giới, điều kiện của Việt Nam” – Phó Chủ tịch UBCKNN Phạm Hồng Sơn cho hay.
Duy Thái
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn