Chiều 1/8, tại buổi họp báo tình hình kinh tế-xã hội TP Hồ Chí Minh do Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Ngọc Hồi chủ trì, nhiều vấn đề dư luận quan tâm được nêu ra, như: thiếu dược chất phóng xạ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư; TP lập Tổ công tác đảm bảo an ninh thị trường vàng trên địa bàn (Tổ công tác) và giao cho NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh thu thập, chuyển giao Công an TP thông tin, tài liệu, danh sách người mua vàng miếng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) và 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) trên địa bàn hàng ngày.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định, việc lập Tổ công tác nhằm quản lý thị trường vàng, bảo vệ quyền lợi người dân và doanh nghiệp chế tác vàng...
Đối với việc lập Tổ công tác, là vấn đề được dư luận khá quan tâm. Vì dư luận cho rằng việc mua bán vàng (hợp pháp) là giao dịch dân sự hợp pháp, cần phải được tôn trọng và đảm bảo bí mật.
Việc theo dõi, thu thập thông tin khách hàng có trái với quy định pháp luật, xâm phạm lợi ích và sự an toàn của khách hàng? TP Hồ Chí Minh có biện pháp quản lý thị trường vàng thế nào để hiệu quả nhưng không vi phạm đến lợi ích hợp pháp của người dân? Thực tế nhiều cửa hàng vàng lách quy định bằng việc không bày bán vàng trang sức không rõ xuất xứ, nguồn gốc, nhưng các giao dịch “ngầm” vẫn diễn ra, TP có biện pháp gì quản lý nhằm lành mạnh hóa thị trường vàng…?
Vấn đề nêu trên được Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Lệnh trả lời. Theo ông Lệnh, trước hết khẳng định mục tiêu quản lý Nhà nước (QLNN) về thị trường vàng, với các giải pháp cụ thể được thực hiện đồng bộ nhằm ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định thị trường tài chính tiền tệ, qua đó tác động tích cực đến phát triển kinh tế xã hội. Việc NHNN sử dụng biện pháp bán vàng trực tiếp cho người dân thông qua Công ty SJC và 4 NHTMNN nhằm mục tiêu đảm bảo lợi ích chung của nền kinh tế và của người dân.
Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp sử dụng nguồn lực Nhà nước, nguồn lực Nhân dân. Vì vậy để phát huy hiệu quả giải pháp này, cần các biện pháp quản lý đồng bộ, hiệu quả: về thanh tra kiểm tra; về tuân thủ quy định hóa đơn từ; về tuân thủ các quy định liên quan đến mua bán vàng miếng.
Trong quá trình có trách nhiệm thực hiện của tất cả các bên liên quan, từ cơ quan QLNN, các doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng, các NNTMNN được giao nhiệm vụ bán vàng miếng SJC và của cả người dân, khách hàng mua vàng như: mua bán vàng miếng đúng địa điểm; chấp hành các quy định, các yêu cầu trong hoạt động này (xuất trình CCCD, cung cấp thông tin người mua, mua bán phải thực hiện hóa đơn chứng từ, công khai và minh bạch...), như vậy mỗi tổ chức, cá nhân khi mua bán vàng tuân thủ quy định của pháp luật.
Đối với cơ quan quản lý, Công ty SJC và 4 NHTMNN thực hiện bán vàng của Nhà nước cho người dân cũng phải tuân thủ và thực hiện trách nhiệm của mỗi tổ chức để bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, đảm bảo biện pháp bán vàng của NHNN phát huy hiệu quả.
Để thực hiện nhiệm vụ này, các đơn vị phải phối hợp trao đổi cung cấp thông tin; thực hiện báo cáo, nắm bắt tình hình; thực hiện công tác thanh tra kiểm tra với mục đích đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật, hạn chế và ngăn ngừa tình trạng đầu cơ, trục lợi, làm giá...
Những hoạt động này có tác động ảnh hưởng đến sự ổn định thị trường vàng, đến thị trường tài chính tiền tệ và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, trên hết ảnh hưởng đến lợi ích nền kinh tế và người dân, nên cần phải quản lý, ngăn chặn và phòng ngừa.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh khẳng định, chủ trương Nhà nước là bán vàng miếng. Việc TP quyết định thành lập Tổ công tác nhằm quản lý thị trường vàng ổn định, bảo vệ quyền lợi người dân và doanh nghiệp chế tác vàng, ngăn chặn tình trạng đầu cơ trục lợi, lợi dụng giá vàng lên cao để trục lợi. Việc trao đổi thông tin và thực hiện nhiệm vụ, Tổ công tác đảm bảo thực hiện đúng Luật Phòng chống rửa tiền; Luật An ninh quốc gia…
Đối với vấn đề đặt ra là TP Hồ Chí Minh có những biện pháp quản lý thị trường vàng thế nào cho hiệu quả, nhưng không vi phạm đến lợi ích hợp pháp của người dân?
Ông Nguyễn Đức Lệnh trả lời: “Đối với thị trường vàng và lĩnh vực mua bán vàng miếng liên quan đến nhiều lĩnh vực: từ việc chấp hành nghiêm quy định về chế độ hóa đơn chứng từ; mẫu mã, chất lượng sản phẩm, nguồn gốc sản phẩm; quản lý giá; thuế... đến điều kiện về kinh doanh. Do đó, biện pháp quản lý cần phải có công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị để trao đổi cung cấp thông tin; nắm bắt tình hình, thanh tra kiểm tra… mới đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong chấp hành pháp luật, đảm bảo thị trường hoạt động công khai, minh bạch đúng pháp luật; ổn định và phát triển; hạn chế rủi ro tiềm ẩn và bảo đảm lợi ích chung của nền kinh tế. Chính giải pháp này, nếu thực hiện tốt sẽ đảm bảo cho thị trường vàng hoạt động lành mạnh. Trong đó, kết quả kiểm tra của Cục Quản lý thị trường TP vừa qua, cũng là giải pháp hiệu quả thiết thực và trực tiếp hạn chế hiện tượng: nhiều cửa hàng vàng lách quy định bằng cách không trưng bày bán vàng trang sức không rõ xuất xứ, nguồn gốc, nhưng các giao dịch ngầm vẫn diễn ra khá phổ biến”.
Tân Tiến
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn