Hoạt động của một doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Ảnh minh họa: Công Thử - TTXVN
Số doanh nghiệp đăng ký và thành lập mới tiếp tục giảm; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lại tăng, gây không ít khó khăn cho sản xuất công nghiệp tại tỉnh.
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, do tác động tình hình thế giới phức tạp, lạm phát thế giới tăng cao, lãi suất còn ở mức cao... đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn. Từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong cả nước nói chung và ở tỉnh nói riêng.
Do việc tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, huy động vốn trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, lãi suất cho vay còn ở mức cao, bình quân ở mức 9,5 -11,3%/năm và thị trường bất động sản "đóng băng", dẫn đến một số dự án bất động sản đô thị, du lịch quy mô lớn tại Ninh Thuận bị thiếu vốn, phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng triển khai thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, một số sản phẩm công nghiệp khai khoáng, chế biến còn khó khăn về thị trường tiêu thụ và nguyên liệu đầu vào nên sản lượng giảm. Nhiều doanh nghiệp gặp phải điều tiết sản xuất, kinh doanh hoặc ngưng sản xuất. Trong thời gian qua, tại Ninh Thuận số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 24% so với cùng kỳ, điều đó cho thấy doanh nghiệp đang rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hương, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính riêng trong tháng 5/2023, tình hình đăng ký doanh nghiệp mới tại tỉnh tiếp tục giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 5 tháng đầu năm, tình hình hoạt động doanh nghiệp có nhiều tín hiệu thiếu tích cực.
So với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm 30,4%; số vốn đăng ký mới giảm 92,6%; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 16,3%; số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 12,5% và số doanh nghiệp giải thể tăng 17,9%.
Theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Ninh Thuận, mặc dù trong tháng 5 vừa qua, tỉnh có 23 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký trên 122 tỷ đồng, nhưng so với cùng kỳ năm trước giảm đến 17,9% số doanh nghiệp và số vốn đăng ký mới cũng giảm đến 78,9%.
Lũy kế 5 tháng đầu năm, có 165 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 824 tỷ đồng, nhưng tính ra cũng giảm đến 30,4% số doanh nghiệp và giảm hơn 92% số vốn đăng ký so cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, số doanh nghiệp quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng đăng ký thành lập mới có 153 doanh nghiệp, chiếm 92,7%. Có 72 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 16,3% so với cùng kỳ.
Có 33 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 17,9%; trong đó, số doanh nghiệp giải thể tập trung chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng là 26 doanh nghiệp, chiếm 78,8%. Có 135 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 12,5%; trong đó, doanh nghiệp tạm ngừng chủ yếu ở quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng có 120 doanh nghiệp, chiếm 88,9%.
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, trước bối cảnh khó khăn chung của của doanh nghiệp; đồng thời để hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển, UBND tỉnh đã tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách tài chính, tín dụng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, UBND tỉnh đã tổ chức thành công hội nghị ngân hàng với doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận vốn tín dụng; hỗ trợ lãi suất 2% đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đồng thời hỗ trợ thuế bằng cách thực hiện giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước cho 337 trường hợp với kinh phí hơn 9 tỷ đồng.
Không những thế, tỉnh cũng luôn đồng hành, lắng nghe và giải đáp những kiến nghị của doanh nghiệp để tháo gỡ, giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất..., góp phần tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Quyết định 372/QĐ-UBND ngày 22/3/2023 thành lập 3 tổ công tác do các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để nắm bắt, tổ chức kiểm tra, đôn đốc và đề xuất giải pháp xử lý tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai các dự án đầu tư, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư các lĩnh vực.
Không thể phủ nhận sự quyết tâm của UBND tỉnh Ninh Thuận trong việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp.
Thế nhưng ngoài nguyên nhân khách quan như quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa thống nhất; cơ chế phối hợp trong giải quyết thủ tục đầu tư còn một số vướng mắc; công tác xác định giá đất còn khó khăn, kéo dài; tình trạng chồng lấn quy hoạch còn xảy ra; thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng phức tạp, kéo dài... thì cũng phải nhìn nhận rõ những tồn tại, “điểm nghẽn” trong môi trường đầu tư kinh doanh tại tỉnh hiện nay, đó là công tác cải cách thủ tục hành chính vẫn còn tình trạng không nhất quán trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa các cấp, các ngành ở tỉnh có lúc, có nơi chưa thực sự tích cực, hiệu quả chưa cao; hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; công tác thu hút đầu tư còn hạn chế; chất lượng lao động chưa đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, nhất là lĩnh vực công nghiệp, du lịch...
Đó chính là lực cản hiện chưa được khơi thông, dẫn đến việc doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong đầu tư sản xuất, kinh doanh./.
Công Thử/TTXVN
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn