Lãnh đạo Bộ Công thương làm việc với tỉnh Tiền Giang

Thứ tư - 10/07/2024 15:30
 

Tiếp và làm việc với đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đạt chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,26% so cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu đạt 2,9 tỷ USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 44.200 tỷ đồng.

Công tác quy hoạch lĩnh vực năng lượng, Tiền Giang có lưới điện 500kV, 220kV và 110kV. Trong đó, lưới điện 500kV có tổng chiều dài đơn tuyến 114,9 km, lưới điện 220kV có tổng chiều dài đơn tuyến 192,1 km và lưới điện 110kV có tổng chiều dài đơn tuyến 208 km.

Lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Công thương trả lời những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Tiền Giang.

Theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, việc đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo có trên 1.700 tổ chức, hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà nối lưới, với tổng công suất lắp đặt khoảng 62,1 MWp; có 2 dự án điện gió gồm Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (công suất 100MW) và Tân Phú Đông 2 (công suất 50MW).

Những tháng còn lại của năm 2024, tỉnh Tiền Giang tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, thông tin thị trường, nguyên liệu sản xuất, lao động, tiếp cận tín dụng, lao động, đất đai, năng lượng. Theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu như: Xăng, dầu, vật tư đầu vào cho ngành Nông nghiệp, các hàng hóa thiết yếu khác... để chủ động có phương án bảo đảm cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, gây bất ổn thị trường. Theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp, công trình lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016 - 2025.

Sau khi nghe báo cáo và đề xuất của tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Công thương và lãnh đạo Bộ Công thương đã trả lời những đề xuất, kiến nghị cũng như ghi nhận những nội dung còn vướng mắc để sớm phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ những khó khăn nhằm tạo điều kiện để địa phương phát triển theo hướng bền vững.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Tiền Giang có vị trí khá thuận lợi, hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc trưng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Địa bàn trung chuyển kết nối giữa các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ. Có tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế biển, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ thương mại…

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, để thúc đẩy phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế của địa phương tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp; lĩnh vực công nghiệp và thương mại đạt kết quả khá tích cực.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng định hướng một số nhiệm vụ, giải pháp cho Tiền Giang trong thời gian tới, như: Cần làm tốt công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính Phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn. Một số chính sách mới tiếp tục được áp dụng như giảm thuế VAT đã được Chính phủ triển khai, mong địa phương cũng sẽ chỉ đạo áp dụng các cơ chế này.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, rà soát tháo gỡ các quy định thủ tục, các quy chuẩn điều kiện kinh doanh không phù hợp, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp; góp phần hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chủ động rà soát điều chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh. Tỉnh khẩn trương triển khai thực hiện các quy hoạch thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản. Tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất, mặt nước, không gian biển; đẩy nhanh tiến độ chọn nhà đầu tư đủ năng lực để khai thác bảo đảm vận hành đúng tiến độ và theo quy hoạch của Chính phủ phê duyệt.

Chú trọng rà soát sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách của địa phương, đảm bảo đồng bộ khả thi để thu hút đầu tư, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại. Chú trọng rà soát quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi áp dụng công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả thị trường trong nước và quốc tế. Kích cầu tiêu dùng chú trọng phát triển hạ tầng thương mại cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử…

Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết, tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh khả quan. Dự báo kinh tế - xã hội năm 2024 sẽ đạt cao hơn năm trước. Các dự án Trung ương thực hiện trên địa bàn, tỉnh cũng tập trung rất quyết liệt. Còn 4 lĩnh vực quy hoạch của ngành Công thương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được tỉnh rất quan tâm, hỗ trợ tổ chức thực hiện tốt. Tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, của các Vụ, Cục trực thuộc Bộ Công thương, lãnh đạo Bộ Công thương và sẽ thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh cảm ơn Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã hỗ trợ Tiền Giang trong thời gian qua, mong rằng Bộ Công thương tiếp tục quan tâm Tiền Giang, nhất việc hỗ trợ xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài…

Đoàn công tác của Bộ Công thương đã đến thăm và làm việc với Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng.

Sáng cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ Công thương đã đến thăm và làm việc với Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng tại Khu công nghiệp Mỹ Tho. Công ty là một trong những doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu thủy sản của tỉnh Tiền Giang. Thị trường tiêu thụ chính của công ty này là châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Bra-xin, Trung Quốc, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung Đông, Đông Nam Á...

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng Nguyễn Văn Đạo cho biết, năm 2024, công ty đang cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành mục tiêu sản xuất, kinh doanh của năm, trong đó tập trung cho mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 100 triệu USD.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc với Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo, trên thị trường đang xuất hiện tình trạng giá cước tàu tăng cao bất hợp lý, xen lẫn tình trạng thiếu container rỗng và thiếu hụt các tuyến đường tàu biển dẫn đến hiện tượng hủy chuyến thường xuyên xảy ra. Điều này không chỉ làm tăng chi phí bán hàng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch giao hàng cho khách hàng của doanh nghiệp, đặc biệt tại các thị trường chính, như: EU, Bắc Mỹ, Nam Mỹ... Mặt khác, thủ tục hồ sơ xuất khẩu cá tra bằng đường mậu biên sang Trung Quốc còn phức tạp nên làm chậm thông quan hàng hóa qua cửa khẩu, làm phát sinh nhiều chi phí cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu và đánh mất uy tín trước các đối tác.

Đoàn công tác của Bộ Công thương tham quan xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng.

Công nhân Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng đang làm việc.

Phát biểu tại buổi làm việc với Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, vấn đề cước vận tải tăng cao, Bộ Công thương đã làm việc với tổ chức vận tải thế giới và cũng có bản thảo trong nước để đề xuất Chính phủ cơ chế, giải pháp phù hợp. Đối với tình trạng chậm thông quan hàng hóa, Bộ Công thương sẽ có những nội dung gửi nước nhập khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn cho vấn đề này.

LÝ OANH

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây