Những năm qua, số trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã giảm nhiều. Địa phương đang tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp để tập trung tuyên truyền về vấn đề này.
Từng bước giảm thiểu
Khánh Sơn là huyện miền núi nghèo của tỉnh, là nơi sinh sống của 13 dân tộc anh em, với dân số 28.474 người, trong đó người Raglai nhiều nhất, chiếm 72,73% dân số toàn huyện. Với xuất phát điểm, trình độ dân trí còn thấp, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp; phong tục tập quán, tâm lý, nhận thức về hôn nhân gia đình, sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn còn hạn chế nên trước đây, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong ĐBDTTS tại huyện luôn ở mức cao. Giai đoạn 2011 - 2014, trên địa bàn huyện có 3 cặp kết hôn cận huyết thống và 114 cặp vợ chồng tảo hôn. Thực trạng này đã tác động trực tiếp đến chất lượng dân số địa phương, gây áp lực lên nhiều vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn.
Hội Phụ nữ thị trấn Tô Hạp tổ chức hội thi giao lưu sáng kiến truyền thông "Xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em" năm 2024.
Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, cuối năm 2014, Huyện ủy Khánh Sơn đã có chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, huyện còn tập trung thực hiện Đề án Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 - 2025 theo Quyết định số 498/2015 của Thủ tướng Chính phủ; thực hiện hiệu quả Tiểu dự án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng ĐBDTTS thuộc Dự án 9 - Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến 2025…
Theo ông Đỗ Huy Hiệp - Trưởng phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn, nhờ triển khai hiệu quả các đề án, dự án, chính sách liên quan đến giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong ĐBDTTS, nhất là sự vào cuộc của các cấp, ngành, công tác tuyên truyền được triển khai bằng nhiều hình thức phong phú nên đã nâng cao được nhận thức của người dân về những tác động tiêu cực của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Trong giai đoạn 2015 - 2020, trên địa bàn huyện không phát sinh mới trường hợp hôn nhân cận huyết thống; số trường hợp tảo hôn giảm còn 64 trường hợp; gần 100 trường hợp có nguy cơ tảo hôn được ngăn chặn kịp thời. Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện không phát sinh mới trường hợp hôn nhân cận huyết thống, số trường hợp tảo hôn giảm còn 10 trường hợp.
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền
Mặc dù tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện đã giảm dần qua các năm song vẫn có nguy cơ xảy ra. Những năm gần đây, các cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn nhiều trường hợp có nguy cơ tảo hôn. Nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận ĐBDTTS vẫn chưa nhận thức đầy đủ về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; hoặc do điều kiện kinh tế khó khăn nên một số gia đình chưa chăm lo được việc học hành của con em mình, chưa quan tâm đến đời sống tâm lý, tình cảm của các em khi bước vào độ tuổi vị thành niên…
Hội Phụ nữ thị trấn Tô Hạp tổ chức hội thi giao lưu sáng kiến truyền thông "Xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em" năm 2024.
Thời gian tới, UBND huyện sẽ phát huy vai trò của người có uy tín trong ĐBDTTS, đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên dân số ở cơ sở để đẩy mạnh việc tư vấn, tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề cho các nhóm đối tượng trẻ vị thành niên, thanh niên, hộ gia đình có con thuộc diện nguy cơ tảo hôn; phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, địa phương, trường học, các bậc cha mẹ trong việc phòng ngừa tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Theo ông Cao Minh Vỹ - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, để giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, có chiều sâu, có trọng tâm, phù hợp với từng đối tượng; nội dung tuyên truyền phải dễ nhớ, dễ hiểu, sát với thực tiễn sinh hoạt, đời sống của người dân. Từ đó, giúp các bậc cha mẹ, học sinh cấp THCS trở lên, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ và thanh thiếu niên trong cộng đồng có thêm nhiều thông tin liên quan đến vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; phải làm cho ĐBDTTS tự giác chấp hành, thực hiện tốt chính sách, pháp luật về hôn nhân, gia đình, dân số… Bên cạnh đó, huyện sẽ thực hiện tốt các vấn đề về định hướng nghề nghiệp, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, tiến bộ để từng bước hạn chế, giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
HẢI LĂNG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn