Nguồn: Tổng cục Thuế. Đồ họa: Phương Anh
Ban hành 8.740 quyết định hoàn thuế
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác hoàn thuế, Tổng cục Thuế đã triển khai các Tổ công tác trực tiếp xuống nắm bắt, làm việc tại Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh, đơn vị có lượng hồ sơ và số thuế đề nghị hoàn tồn lớn để hướng dẫn, cùng rà soát từng hồ sơ cụ thể, trên cơ sở đó tổng hợp, đánh giá hiện trạng tình hình, đưa ra các nguyên nhân tồn đọng để tham mưu Tổng cục Thuế và cấp thẩm quyền các giải pháp tháo gỡ, chỉ đạo phù hợp, hiệu quả.
Hoàn thuế điện tử đạt tỷ lệ 99%
Tính từ ngày 15/12/2023 đến 14/6/2024, tổng số người nộp thuế nộp đề nghị hoàn thuế điện tử là 6.188 trên tổng số 6.243 người nộp thuế nộp đề nghị hoàn thuế, đạt tỷ lệ 99%. Số hồ sơ tiếp nhận hoàn điện tử là 14.752 hồ sơ trên tổng số 14.818 hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%. Tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn điện tử là 9.117 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 73.123 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 99%.
Đặc biệt, trong tháng 6/2024, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị đẩy mạnh công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2024 tại 2 miền Bắc, Nam, thảo luận các nhóm vấn đề lớn trong công tác hoàn thuế như: Quy trình hoàn thuế, phòng chống gian lận hoàn thuế GTGT, sổ tay nghiệp vụ, chương trình tuân thủ hoàn thuế tự nguyện,… Từ đó, có các giải pháp nhằm đẩy nhanh công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp (DN).
Với việc thực hiện quyết liệt, khẩn trương của cơ quan thuế các cấp, công tác hoàn thuế GTGT đã đạt được những kết quả tích cực. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, lũy kế đến hết ngày 30/6/2024, toàn ngành Thuế đã ban hành 8.740 quyết định hoàn thuế GTGT với tổng số tiền thuế hoàn là 63.188 tỷ đồng, bằng 37% so với dự toán hoàn thuế GTGT năm 2024, bằng 103% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, một số cục thuế có số tiền giải quyết hoàn thuế lớn nhất cả nước là: Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Hà Nội.
Cụ thể, Bình Dương ban hành 1.790 quyết định hoàn thuế, với số tiền được hoàn là 11.341 tỷ đồng; Đồng Nai ban hành 1.180 quyết định hoàn thuế, với số tiền 7.307 tỷ đồng; TP. Hồ Chí Minh ban hành 508 quyết định hoàn thuế, với số tiền 4.692 tỷ đồng; Bắc Ninh ban hành 302 quyết định hoàn thuế, với số tiền 3.954 tỷ đồng; Hà Tĩnh ban hành 10 quyết định hoàn thuế, với số tiền 3.269 tỷ đồng; Hà Nội ban hành 579 quyết định hoàn thuế, với số tiền 3.194 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tổng số hồ sơ kiểm trước đang tiếp nhận, giải quyết hoàn thuế GTGT trên cả nước là 1.279 hồ sơ (chiếm tỷ trọng 57% hồ sơ đang giải quyết) tương ứng số thuế đề nghị hoàn 20.896 tỷ đồng. Trong đó, một số cục thuế có số lượng hồ sơ kiểm trước đang giải quyết lớn gồm: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương.
Giao nhiệm vụ đẩy nhanh hoàn thuế đến từng đơn vị
Để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm và gian lận trong hoàn thuế GTGT, Tổng cục Thuế cho biết, đã kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ thường trực giúp việc Ban chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống gian lận trong hoàn thuế GTGT; chỉ đạo các cục thuế xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với các DN có hồ sơ hoàn thuế GTGT đạt tối thiếu 10% tổng số danh sách kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế (NNT) năm 2024.
Tổng cục Thuế cho biết, đến nay, đã có 59/63 cục thuế đã xây dựng kế hoạch, chuyên đề thanh tra, kiểm tra hoàn thuế GTGT với 1.232 DN. Cũng tính đến nay, 63 cục thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra sau hoàn đối với 2.258 quyết định hoàn, bằng 92% so với cùng kỳ năm 2023, tương ứng với tổng số tiền hoàn là 14.241,5 tỷ đồng. Có 654 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn có phát sinh số thuế truy hoàn và phạt số tiền là 155,2 tỷ đồng, bằng 147% so với cùng kỳ năm 2023 (trong đó: số thuế truy hoàn là 72,2 tỷ đồng, phạt là 83 tỷ đồng, đã nộp NSNN là 124,2 tỷ đồng).
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế GTGT cho DN, ngành Thuế đã áp dụng quản lý rủi ro (QLRR) trong phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT và lập kế hoạch thanh kiểm tra sau hoàn thuế. Đồng thời, khẩn trương xây dựng, nâng cấp ứng dụng QLRR phân hệ hoàn thuế đảm bảo tự động hóa trong khâu phân loại rủi ro hồ sơ hoàn thuế và bắt đầu triển khai trên toàn quốc từ ngày 27/10/2023.
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, việc triển khai thực hiện thống nhất phân loại hồ sơ hoàn thuế GTGT tự động đã đẩy nhanh công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế cũng như kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa rủi ro trong công tác quản lý hoàn thuế, chống gian lận gây thất thoát NSNN, đồng thời cũng góp phần hỗ trợ NNT quay vòng vốn nhanh để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Theo thống kê của Tổng cục Thuế, đến nay, số lượng hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT được đẩy vào ứng dụng để phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế thuộc diện kiểm trước hoặc hoàn trước là 8.859 hồ sơ. Trong đó, tổng số hồ sơ đề nghị hoàn thuộc diện kiểm trước (bao gồm cả kiểm trước theo luật định và kiểm trước theo phân tích rủi ro) chiếm tỷ lệ khoảng 21,68% tính trên tổng hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT.
Phát biểu tại Hội nghị đẩy mạnh công tác quản lý hoàn thuế GTGT năm 2024 khu vực miền Bắc, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Xuân Thành chỉ đạo công tác hoàn thuế cần được thực hiện nhanh chóng, kịp thời, chính xác nhưng vẫn đảm bảo công tác quản lý hoàn thuế được chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, từ đó phòng chống gian lận về hoàn thuế, về hóa đơn.
Người đứng đầu ngành Thuế cho rằng, để thực hiện tốt công tác hoàn thuế, yêu cầu cần có sự phân công công việc, giao nhiệm vụ tới từng bộ phận cụ thể giữa các phòng của các chi cục thuế đến từng công chức trong triển khai quy trình hoàn thuế và phải có sự kiểm tra, giám sát lẫn nhau./.
ÔNG HOÀNG VĂN HÙNG - GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN CHẾ BIẾN GỖ HOÀN THÀNH: Giải quyết hồ sơ hoàn thuế nhanh chóng, kịp thời
Việc đẩy nhanh tiến độ hoàn thuế, đặc biệt, việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử nhanh chóng, kịp thời, đã giúp doanh nghiệp có thêm nguồn vốn tái đầu tư, yên tâm sản xuất kinh doanh.
Trong giai đoạn doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay, việc được giải quyết hoàn thuế sớm cũng chính là sự hỗ trợ, tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, doanh nghiệp thêm nguồn lực tài chính cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư hiệu quả, từ đó đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội.
ÔNG PHẠM VĂN THÀNH - CHỦ TỊCH HIỆP HỘI GỖ VÀ LÂM SẢN TỈNH THANH HÓA: Doanh nghiệp ngành gỗ được hoàn thuế tăng rất cao so với những năm trước
Từ tháng 9 đến tháng 11/2023 và đến nay, tỷ lệ hồ sơ hoàn thuế của ngành gỗ và sản phẩm gỗ được giải quyết hoàn thuế tăng lên 85% so với những năm trước; đáng chú ý khoảng 60% số tiền nợ đọng hoàn thuế tương đương với hàng ngàn tỷ đồng đã được trả về cho DN.
Gần đây, Cục Thuế Thanh Hóa đã tạo điều kiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, tạo điều kiện thuận lợi cho DN hoạt động xuất khẩu gỗ nói riêng và nhiều mặt hàng khác nói chung phục hồi sản xuất kinh doanh, xuất khẩu sau giai đoạn dịch bệnh. Cơ quan thuế cũng thực hiện truy xuất nguồn gốc đến người phát sinh thuế, điều này đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho DN./.
Văn Tuấn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn