Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Nghị định Quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, từ ngày Nghị định có hiệu lực thi hành đến hết 31/12/2023, mức thu lệ phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP; các Nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại các địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
Từ 01/01/2024 trở đi, mức thu lệ phí trước bạ tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành.
Bộ Tài chính lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết về giảm 50% lệ phí trước bạ
Theo Bộ Tài chính, việc tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, sẽ tác động tiêu cực đến thu ngân sách cũng như các cam kết quốc tế.
Bộ Tài chính cho rằng, thời điểm năm 2020 và năm 2022, nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước là do đứt gãy chuỗi cung ứng dẫn đến gián đoạn nguồn cung. Trong khi nhu cầu mua xe của người dân vẫn nhiều, chưa chịu ảnh hưởng của yếu tố lạm phát.
Theo đó, việc giảm 50% mức thu LPTB giúp số lượng tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng lên mạnh nên nguồn thu NSNN từ LPTB, thuế TTĐB, thuế GTGT đã bù đắp được phần giảm thu LPTB về mặt chính sách.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu mua xe của người dân có thể thấp hơn. Do đó, việc tiếp tục thực hiện chính này vào giai đoạn hiện nay thì việc tăng thu từ thuế TTĐB và thuế GTGT sẽ có thể không đủ để bù đắp cho việc giảm LPTB.
Theo đánh giá, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN về LPTB khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Số thu thuế GTGT và thuế TTĐB chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, TP.HCM (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) và số thu LPTB chỉ tăng ở 11 địa phương, 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này.
Ngoài ra, chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.
Về lý thuyết, phía Việt Nam có khả năng bị tham vấn, khiếu nại trong khuôn khổ WTO.
Tuy nhiên trên thực tế khả năng bị khởi kiện có thể không cao do việc khởi kiện chỉ nhằm chấm dứt các biện pháp đang được áp dụng, không thể nhằm vào một biện pháp đã kết thúc. Trong khi thời hạn áp dụng của Nghị định ngắn, các thủ tục khởi kiện, tham vấn đòi hỏi thời gian nhất định.
Thời gian qua, khi thực hiện chính sách này Việt Nam chỉ mới nhận được yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.
Tiêu thụ ô tô sụt giảm mạnh
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), mặc dù có sự cải thiện đáng kể nguồn cung nhưng tình hình ngành công nghiệp ô tô trong quý I năm 2023 vẫn gặp nhiều khó khăn. Doanh số bán hàng có sự suy giảm, đặc biệt là trong những tháng cuối năm 2022 (thời điểm Tết Nguyên đán) cho thấy những tín hiệu bất thường và đáng ngại đối với doanh nghiệp trong ngành ô tô Việt Nam.
Doanh số bán hàng trong 2 tháng cuối năm 2022 giảm mạnh và đặc biệt doanh số bán hàng tháng 1/2023 sụt giảm tới 44% so với cùng kỳ năm trước và giảm 51% so với tháng trước liền kề.
Tổng doanh số bán hàng của các thành viên VAMA cho đến hết tháng 4/2023 giảm 34% (khoảng 42.000 xe) so với cùng kỳ năm trước (Thaco KIA giảm 53%, Hino giảm 54%, Toyota giảm 35%, Isuzu giảm 33%, Mitsubishi giảm 30%...), trong đó dòng xe du lịch giảm tới 39%.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn