Dự kiến đầu quý 2 sẽ có khung giá mua điện từ Lào

Chủ nhật - 07/04/2024 21:00
 

Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Lào nhằm cụ thể hóa các thỏa thuận cấp cao và triển khai các kết quả của Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào hồi đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi hội đàm với Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, ông Phosay Sayasone. Hai bên đã trao đổi nhiều nội dung thúc đẩy hợp tác thuộc lĩnh vực năng lượng và khoáng sản.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Phosay Sayasone đã ký kết Biên bản hội đàm hai bên về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và mỏ

Vụ Thị trường châu Á - Châu Phi (Bộ Công Thương) chiều 7.4 cho biết hai Bộ trưởng cùng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác lĩnh vực năng lượng khoáng sản, coi đây là trụ cột trong quan hệ Việt Nam - Lào xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của hai nước.

Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào đề nghị hai bên cùng nhau lập kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể hơn, có thêm nhiều dự án, công trình hợp tác kiểu mẫu, hiệu quả. Bộ trưởng Phosay Sayasone đề xuất một số vấn đề hai bên cần tập trung giải quyết hiện nay như: thành lập đoàn công tác để thúc đẩy tiến độ ban hành khung giá Việt Nam mua điện từ Lào sau năm 2025; hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm về thành lập cơ quan điều tiết điện lực; thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ Lào tới các cửa khẩu/cảng tại Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế; hỗ trợ hợp tác về công tác thanh tra; công tác quy hoạch và xây dựng bản đồ khoáng sản...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tầm quan trọng của năng lượng và khoáng sản đối với Việt Nam để phục vụ cho các hoạt động sản xuất trong nước, đáp ứng cho quá trình tăng trưởng và phát triển nhanh chóng của nền kinh tế hiện nay. Bộ trưởng nhất trí với các đề xuất của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, đồng thời nêu thêm nhiều nội dung, giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản giữa hai nước.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trao đổi nhiều nội dung cụ thể để triển khai các cam kết, thỏa thuận cấp cao hai nước, triển khai các kết quả của Kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào hồi đầu năm 2024, trong đó đáng chú ý như sau:

Việc ban hành khung giá mua điện từ Lào sau năm 2025 là rất cần thiết. Theo đề nghị của phía Lào và căn cứ thỏa thuận hợp tác năm 2024 giữa hai chính phủ, Bộ Công Thương Việt Nam đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nghiên cứu, đề xuất khung giá mua điện sau 2025 để báo cáo Bộ Công Thương, sau đó báo cáo Chính phủ thông qua.

Hiện nay, EVN cũng đã hoàn thành nghiên cứu, dự thảo khung giá và đang gửi xin ý kiến Hội đồng thành viên EVN thông qua trước khi báo cáo Bộ Công Thương. Sau khi có báo cáo chính thức của EVN, Bộ Công Thương sẽ thẩm định và báo cáo Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến đầu quý 2 năm nay, khung giá mua điện từ Lào sau 2025 sẽ chính thức được ban hành.

Đối với đề nghị của Lào về vấn đề Việt Nam thúc đẩy và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Lào tới các cửa khẩu/cảng tại Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển hàng hóa từ Lào về Việt Nam, đặc biệt là qua các cửa khẩu, tới các cảng tại Việt Nam. Tại Quảng Trị có cửa khẩu quốc tế La Lay - cửa khẩu quan trọng trong vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là than, phục vụ trực tiếp cho việc mua bán than giữa Lào và Việt Nam.

Than từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu La Lay sẽ tới các cảng Chân Mây, Thuận An (Thừa Thiên-Huế) hoặc cảng Cửa Việt (Quảng Trị). Bộ trưởng nhấn mạnh: "Mua bán than là vấn đề rất được quan tâm của Chính phủ hai nước và hai bộ. Việc Việt Nam mua than từ Lào bên cạnh lợi ích mang lại cho Lào cũng sẽ góp phần đảm bảo cung ứng điện trong nước của Việt Nam. Do vậy, việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, vận chuyển than từ Lào qua các cửa khẩu về Việt Nam và ra các cảng cũng là vấn đề quan tâm của phía Việt Nam".

Đối với hợp tác mua bán than, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết nhu cầu nhập khẩu than của Việt Nam đang rất cao và đẩy mạnh xuất khẩu than cũng là mong muốn của nước bạn Lào, nhưng quan trọng nhất phải tập trung giải quyết vấn đề giá than sao cho hợp lý. Hai bên cần tìm các giải pháp để hạ giá thành bán than từ Lào về Việt Nam, giá than Lào ít nhất phải bằng giá thế giới thì mới có thể cạnh tranh được.

Bộ trưởng đề nghị, các chủ mỏ than của Lào cơ cấu lại quy trình sản xuất tinh gọn, hiệu quả, đầu tư hệ thống băng tải vận chuyển than qua biên giới để giảm giá thành khai thác, sản xuất, vận chuyển than; đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào xem xét báo cáo Chính phủ Lào bãi bỏ thuế xuất khẩu than (10%). Thuế này được ban hành để tạo nguồn thu cho Chính phủ nhưng thực tế sẽ làm cho giá bán than Lào tăng, dẫn đến than không bán được và từ đó Chính phủ và doanh nghiệp đều không có nguồn thu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cũng đề nghị Bộ Năng lượng và Mỏ Lào báo cáo Chính phủ Lào đầu tư nâng cấp và mở rộng các tuyến đường hiện có từ Cạ-lưm đi La Lay và từ Cạ-lưm đi Lao Bảo để cải thiện năng lực vận chuyển so với hiện nay. Ở trong nước, Bộ Công Thương Việt Nam cũng đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, bao gồm việc khuyến khích doanh nghiệp ưu tiên ký kết hợp đồng/cam kết mua bán than của Lào để phục vụ sản xuất điện trong nước.

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Phosay Sayasone đã ký kết Biên bản hội đàm hai bên về hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và mỏ.

Trước đó, cuối năm 2023, EVN đã có văn bản kiến nghị Bộ Công Thương thẩm định và trình Thủ tướng chủ trương nhập khẩu điện gió từ Lào, với giá mua là 6,95 US cent/kWh, tương đương khoảng 1.700 đồng/kWh. Đó là nguồn điện gió của nhà máy điện gió Trường Sơn từ Lào về Việt Nam với công suất khoảng 250MW, dự kiến sẽ được vận hành vào quý 4/2025.

EVN đã ký 19 hợp đồng để mua điện từ 26 nhà máy thủy điện Lào với tổng công suất 2.689 MW. Hợp tác mua bán điện tiếp tục được đẩy mạnh, với việc Việt Nam nhập khẩu điện từ Lào cơ bản đạt mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào năm 2019, Việt Nam sẽ mua 3.000MW điện từ Lào đến năm 2025 và khoảng 5.000MW vào năm 2030 và có thể tăng lên 8.000MW nếu điều kiện cho phép.

EVN kiến nghị Bộ Công Thương xem xét đẩy nhanh việc nhập khẩu điện từ Lào, sớm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương nhập khẩu điện từ các nhà máy điện gió, thủy điện như Nậm Mô, Houay Koauan với tổng công suất trên 225MW và phương án đấu nối với dự án điện gió Savan 1 và 2.

Việc này đặt ra trong bối cảnh từ nay đến năm 2025 chưa có dự án nguồn điện lớn nào vận hành, dẫn tới nguy cơ miền Bắc thiếu điện vào cao điểm mùa khô hai năm tới.

EVN tính toán miền Bắc có thể thiếu trên 3.630MW và sản lượng khoảng 6,8 tỉ kWh trong cao điểm mùa khô (tháng 5-7) năm 2025 do các nguồn điện mới vào vận hành rất ít, chủ yếu rơi vào thời điểm cuối năm. Do đó, việc có thêm hơn 225MW điện nhập khẩu từ Lào, theo EVN sẽ bổ sung thêm đáng kể nguồn điện, đảm bảo cung ứng điện cho miền Bắc những năm tới.

Tuyết Nhung

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây