Doanh nghiệp sơn tận dụng lợi thế sân nhà

Thứ sáu - 19/04/2024 06:30
 

Nhân viên kiểm tra chất lượng sơn. Ảnh: Thành Luân

Các DN vật liệu xây dựng (VLXD) nói chung và ngành sơn nói riêng đều nhận định rằng thị trường bất động sản chưa khởi sắc, dẫn đến tình trạng sản xuất, kinh doanh VLXD đều đang khó khăn. Ông đánh giá thế nào về thị trường VLXD từ đầu năm 2024 đến nay?

- Đánh giá các yếu tố kinh tế từ đầu năm 2024 đến nay, tôi cảm nhận tương đối khởi sắc. Với ngành sơn, qua khảo sát hệ thống khách hàng toàn quốc của chúng tôi thì giữa khoảng thời gian 2023 và 2024 có sự khác nhau tương đối lớn.

Trong giai đoạn năm 2023, số lượng công trình xây dựng ít hơn hẳn ở các tỉnh, huyện, nơi có các đại lý, nhà phân phối của chúng tôi. Thế nhưng từ đầu năm đến nay, qua khảo sát, số lượng công trình xây dựng tương đối nhiều, nhất là về lĩnh vực dân dụng.

Bên cạnh đó, các khách hàng là đại lý bán vật liệu thô (sắt, thép, xi măng, cát, sỏi...) cũng chia sẻ, doanh số của đầu năm nay có sự khởi sắc, tăng trưởng tốt so với năm ngoái. Với ngành sơn là vật liệu hoàn thiện, gần như là ở khâu cuối cùng của một công trình, năm nay chắc chắn sẽ có khởi sắc hơn năm 2023.

Thị trường đang khởi sắc tuy nhiên vẫn sẽ có những khó khăn, thách thức đan xen. Theo ông đâu là hạn chế, vướng mắc hiện nay của các DN VLXD?

- Khó khăn của các DN VLXD nói chung, đặc biệt là sơn nói riêng là tình hình bất ổn chính trị trên thế giới - một trong các yếu tố tác động trực tiếp đến giá thành nguyên vật liệu đầu vào. Ví dụ như Titanium Dioxide dùng trong sản xuất sơn tăng giá từ 10 - 15%; nhựa tạo màng Acrylic - thành phần chính của sơn cũng tăng.

Vì thị trường cạnh tranh gay gắt nên nếu tăng giá sản phẩm thì sẽ mất thị phần nên DN đang phải cố gắng gánh chịu.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP HF Group Phạm Trung Hiếu.

Để vượt qua khó khăn này, cần phải có giải pháp gì, thưa ông?

- Điều quan trọng nhất đối với ngành sơn cần 3 chiến lược.

Thứ nhất, tập trung vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm tốt, có chất lượng cao phục vụ cho người dân. Thị trường cạnh tranh rất lớn về chất lượng, giá thành, đòi hỏi DN phải có chiến lược rất cụ thể.

Thứ hai, cần đào tạo đội ngũ từ kinh doanh đến chăm sóc khách hàng phải chuyên nghiệp.

Thứ ba, DN phải xây dựng chiến lược bài bản, quy trình, quy chuẩn rõ ràng trong sản xuất, kinh doanh.

Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ và các địa phương trong thời gian qua?

- Ở cấp địa phương, chúng tôi cảm nhận được sự hỗ trợ, đồng hành khá tích cực. Nhà máy sản xuất của Công ty CP HF Group nằm trên địa bàn xã Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Qua gần 15 năm sản xuất, kinh doanh, chính quyền địa phương luôn trên tinh thần ủng hộ, hỗ trợ DN và tạo thuận lợi về chính sách.

Còn ở phạm vi cả nước, chúng tôi nhận thấy các chính sách của Nhà nước khá linh hoạt, kịp thời, mang đến những tín hiệu tốt cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.

Tuy nhiên, chính sách cần phải có thời gian để thẩm thấu vào thị trường. Dư địa phát triển thị trường ngành sơn ở Việt Nam hiện tại còn rất lớn, sẽ là cơ hội cho các DN sản xuất trong nước. Trước đây, thị trường chủ yếu là "đất diễn" của các DN nước ngoài.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây, các DN sản xuất của Việt Nam bắt đầu tiếp cận được công nghệ mới cũng như trình độ, năng lực… Chất lượng sản phẩm sơn trong nước không hề thua kém các thương hiệu nước ngoài.

Trong khi giá thành sản xuất lại cạnh tranh hơn nhờ các chính sách ưu đãi của Chính phủ cũng như các địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi để các DN sơn trong nước tận dụng tốt lợi thế sân nhà, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Xin cảm ơn ông!

Thành Luân

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây