Cầu tiêu dùng yếu, Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ

Thứ năm - 08/06/2023 14:00
 

Giảm phí trước bạ được kỳ vọng sẽ tiếp sức, kích cầu doanh số thị trường ô tô. Ảnh: TC Group

Thị trường ô tô trầm lắng, giảm thuế “sưởi ấm” sức mua

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), từ nay đến cuối năm. thị trường ô tô sẽ vẫn tiếp tục đi xuống, dù các hãng xe, đại lý có nhiều chương trình giảm giá, kích cầu. Trước tình hình này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định về giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng 6 tháng cuối năm nay.

Dự thảo Nghị định quy định, từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2023: Mức thu LPTB bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về LPTB; các nghị quyết hiện hành của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về mức thu LPTB tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

Theo đại diện Bộ Tài chính, để góp phần kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết.

“Việc tiếp tục giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước và kinh tế - xã hội”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Sau 2 tháng liên tiếp phục hồi và có sự tăng trưởng, tới tháng 4/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường ô tô đột ngột giảm mạnh tại tất cả các phân khúc.

Đại diện VAMA cho biết: Trong tháng 4/2023, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 22.409 xe, giảm 25% so với tháng 3/2023 và giảm 47% so với cùng kỳ tháng 4/2022. Trong đó, doanh số bán trong tháng 4/2023 đạt 15.748 xe du lịch, 6.487 xe thương mại và 174 xe chuyên dụng. Theo đó, doanh số xe du lịch giảm 27%; xe thương mại giảm 19% và xe chuyên dụng giảm 51% so với tháng trước. Đối với các thành viên của VAMA, tháng 4/2023, Trường Hải tiếp tục dẫn đầu với doanh số bán hàng cao nhất, tiếp đến là Toyota, Ford, Honda và Mitsubishi....

Theo Tập đoàn Thành Công (TC Group), tổng doanh số xe Hyundai tháng 4/2023 đạt 4.592 xe, giảm hơn 1.000 xe so với tháng 3/2023. Hiện, Hyundai Accent tiếp tục là mẫu xe có số lượng bán hàng tốt nhất tháng 4/2023 với 1.050 xe đến tay khách hàng; Hyundai Creta, đứng ở vị trí thứ 2 với 637 xe bán ra, ngoài ra từ tháng 4/2023, Hyundai Creta cũng được sản xuất lắp ráp tại Việt Nam.

Xếp ở vị trí tiếp theo về doanh số trong tháng 4/2023 gồm Hyundai Grand i10 đứng ở vị trí thứ 3 đạt 494 xe; Hyundai Stargazer đứng thứ 4 với doanh số 378 xe; tiếp đến là Hyundai Santa Fe với 364 xe; Hyundai Tucson với 259 xe và Hyundai Elantra với 173 xe. Riêng các mẫu xe thương mại Hyundai đạt doanh số 1.237 xe bán ra trong tháng 4/2023, tăng trưởng hơn 21,7% so với tháng 3/2023.

Không quá lo ngại ảnh hưởng tới các cam kết quốc tế

Liên quan đến tác động đến cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, theo Bộ Tài chính, chính sách giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được đánh giá là có ảnh hưởng tiêu cực trong việc thực hiện các cam kết quốc tế.

Có ý kiến cho rằng chính sách này có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định theo nguyên tắc Đối xử quốc gia trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam hiện là thành viên của WTO và đã ký kết nhiều FTA song phương và đa phương, trong đó đã cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong thương mại và đầu tư. Theo đó, hiện nay chính sách thuế, phí, lệ phí tại các văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng thống nhất giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu.

Theo Bộ Tài chính, về lý thuyết, phía Việt Nam có khả năng bị tham vấn, khiếu nại trong khuôn khổ WTO. Tuy nhiên trên thực tế, khả năng bị khởi kiện có thể không cao do việc khởi kiện chỉ nhằm chấm dứt các biện pháp đang được áp dụng, không thể nhằm vào một biện pháp đã kết thúc trong khi thời hạn áp dụng của nghị định ngắn, các thủ tục khởi kiện, tham vấn đòi hỏi thời gian nhất định.

Thời gian qua, khi thực hiện chính sách này Việt Nam chỉ mới nhận được yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và ô tô nhập khẩu.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu NSNN khoảng 8.000 - 9.000 tỷ đồng (trong 6 tháng đầu năm 2022, số giảm thu LPTB về mặt chính sách là 8.727 tỷ đồng).

Ngoài ra, việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu LPTB thuộc ngân sách địa phương. Theo báo cáo trên thì việc giảm 50% mức thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã làm tăng số lượng tiêu thụ và đăng ký nên số thu LPTB, thuế GTGT và thuế TTĐB có thể tăng.

Tuy nhiên, thực tế số thu thuế GTGT và thuế TTĐB chỉ tập trung ở 8 địa phương là Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh (là nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước) và số thu LPTB chỉ tăng ở 11 địa phương, 52 địa phương còn lại đều giảm thu từ chính sách này (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương).

Minh Phương/Báo Tin tức

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây