Thời gian qua, huyện Cam Lâm đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác lao động, người có công và xã hội. Qua đó, góp phần từng bước nâng cao mức sống cho người dân, bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn.
Hỗ trợ đào tạo nghề, kết nối việc làm
Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, em Nguyễn Ngọc Kim Trúc (xã Cam Thành Bắc, Cam Lâm) học hết lớp 9 đã nghỉ học đi làm thuê để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ lo cho 2 em nhỏ. Nhưng do không có bằng cấp, tay nghề và tuổi còn trẻ nên khi xin vào làm ở các doanh nghiệp em không được tiếp nhận. Được tư vấn, em Trúc đã đăng ký đi học nghề quản trị khách sạn tại Cơ sở 2 Trường Trung cấp Du lịch - Kỹ thuật Cam Ranh (trước đây là Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm). Tham gia khóa học, em được nhà trường áp dụng chính sách hỗ trợ chi phí học tập, tiếp cận thực hành tại các doanh nghiệp nên nắm bắt vững kiến thức. Với sự nỗ lực trong học tập, em đã được một số doanh nghiệp tại Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh mời vào làm việc sau khi tốt nghiệp. Em Trúc chia sẻ: “Em rất mừng khi được địa phương, nhà trường hỗ trợ, tạo điều kiện cho em đi học nghề. Tháng 8-2024, em sẽ tốt nghiệp, rồi vào làm tại Khu nghỉ dưỡng Movenpick Cam Ranh”. Em Trúc là một trong hàng nghìn lao động đã được địa phương tư vấn học nghề, gắn kết với địa chỉ việc làm trong thời gian qua.
Xác định công tác đào tạo nghề sẽ đem lại cơ hội việc làm bền vững, cơ quan chức năng Cam Lâm đã chỉ đạo các xã, thị trấn, các hội, đoàn thể phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp tăng cường tư vấn lao động chưa có bằng cấp tham gia học nghề. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đã tư vấn đào tạo nghề cho hơn 1.500 lao động. Địa phương phấn đấu đến cuối năm sẽ tư vấn đào tạo nghề cho hơn 2.900 người, trong đó dành nhiều sự quan tâm tư vấn, hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho 120 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, lao động thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện còn thực hiện các giải pháp kết nối việc làm cho người lao động địa phương thông qua việc truyền thanh phổ biến thông báo tuyển dụng, tổ chức phiên giao dịch việc làm. Qua đó, đã kết nối việc làm thành công cho gần 1.000 lao động địa phương; tư vấn, tuyển chọn, hỗ trợ cho 20 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Để đảm bảo tốt chính sách, phúc lợi cho người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, Cam Lâm đã thành lập các tổ liên ngành kiểm tra thực hiện quy định của pháp luật lao động. Từ đó, đã phát triển được 17.470 người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đạt 94,21%. Đồng thời, tăng cường tư vấn phát triển được 1.304 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đạt 73,58%.
Đào tạo nghề quản trị khách sạn tại Cơ sở 2 Trường Trung cấp Du lịch - Kỹ thuật Cam Ranh.
Đảm bảo các chính sách xã hội
Phát huy truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, toàn huyện đã thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chế độ trợ cấp hàng tháng cho hơn 200 người có công với cách mạng. Đồng thời, tích cực vận động các nguồn lực chăm lo tốt đời sống cho người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống người dân nơi cư trú. 6 tháng đầu năm 2024, huyện đã thực hiện chế độ điều dưỡng tại nhà cho 65 người có công với số tiền hơn 120 triệu đồng; vận động đóng góp Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" được hơn 100 triệu đồng; hỗ trợ kinh phí xây mới 1 nhà tình nghĩa cho người có công. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên rà soát, thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng cho hơn 4.600 đối tượng bảo trợ xã hội; kịp thời đưa 24 đối tượng yếu thế không nơi nương tựa vào chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Công tác cứu trợ xã hội đột xuất cũng được địa phương thực hiện kịp thời. Trong 6 tháng qua, huyện đã kịp thời cấp phát hơn 198 tấn gạo cho 12.921 nhân khẩu thiếu đói.
Bà Hồ Thị Thủy - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Cam Lâm chia sẻ, đầu năm 2024, toàn huyện có 189 hộ nghèo và 1.698 hộ cận nghèo. Thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2025, toàn huyện không còn hộ nghèo, thời gian qua, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững. Trong đó, huyện chú trọng công tác rà soát, phân tích nguyên nhân nghèo, trên cơ sở đó phân loại, khảo sát nhu cầu của từng hộ để thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề gắn với việc làm; hỗ trợ sinh kế, nhà ở, đất sản xuất, phương tiện sản xuất, thiết bị nghe, nhìn… Qua đó, đến nay, toàn huyện đã giảm được 20 hộ nghèo, 180 hộ cận nghèo. Từ nay đến cuối năm, địa phương phấn đấu giảm 35 hộ nghèo và 350 hộ cận nghèo. Ngoài ra, thời gian qua, toàn huyện đã tích cực phối hợp với bưu điện, các ngân hàng mở tài khoản thực hiện chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện chi trợ cấp hàng tháng qua tài khoản cho 128/220 người có công, 805/4.664 đối tượng bảo trợ xã hội…
Ông TẠ HỒNG QUANG - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Thời gian qua, huyện Cam Lâm đã thực hiện khá tốt công tác lao động, thương binh và xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Huyện cần tiếp tục bám sát các nhiệm vụ, chỉ tiêu để thực hiện đúng, đủ các chính sách, có giải pháp hoàn thành nhiệm vụ của ngành. Trong đó, địa phương cần chú trọng thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; giải quyết triệt để các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo; chú trọng đào tạo nghề gắn với kết nối việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện; đẩy mạnh việc chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho các đối tượng…
VĂN GIANG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn