Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Tiền Giang

Thứ tư - 10/07/2024 17:00
 

Cùng tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có đại diện các đơn vị thuộc Bộ: Văn phòng Bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Thị trường trong nước, Cục Công nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công Thương địa phương, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo; Tổng cục Quản lý thị trường và Lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam… Về phía tỉnh Tiền Giang có ông Nguyễn Văn Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tham dự.

Toàn cảnh buổi làm việc (Ảnh: Báo Công Thương)

Công nghiệp, thương mại, năng lượng tiếp tục phục hồi, tăng trưởng

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, về tình hình kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và thương mại, năng lượng 6 tháng đầu năm 2024, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn rất khó đoán định, nhu cầu hàng hóa tại nhiều thị trường lớn sụt giảm, nhưng các ngành, lĩnh vực kinh tế của tỉnh Tiền Giang tiếp tục hồi phục, tăng trưởng và đạt được những kết quả khả quan.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 9,26% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 2,9 tỷ USD, tăng 8,41% so với cùng kỳ và đạt 58% so với kế hoạch năm 2024. Kim ngạch nhập khẩu đạt 1,5 tỷ USD, tăng 6,45% so với cùng kỳ năm trước và đạt 60% so kế hoạch năm. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 44.221 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 49,7% kế hoạch năm.

Về công tác quy hoạch lĩnh vực năng lượng, tỉnh Tiền Giang có lưới điện 500kV, 220kV và 110kV. Trong đó, lưới điện 500kV có tổng chiều dài đơn tuyến 114,9km (tính luôn mạch 2 là 229,8km); 1 trạm (2 máy biến áp) với tổng công suất 1.800MVA; lưới điện 220kV có tổng chiều dài đơn tuyến 192,1km (tính luôn mạch 2 là 316km); 2 trạm (4 máy biến áp) với tổng công suất 750MVA; và lưới điện 110kV có tổng chiều dài đơn tuyến 208km; 11 trạm (22 máy biến áp) với tổng công suất 1.126MVA.

Ông Lưu Văn Phi - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Báo Công Thương)

Về lưới điện trung, hạ áp: Tổng chiều dài đường dây trung áp 4.019,9km (3 pha 1.784,2km; 1 pha 2.235,7km; trong đó của Công ty TNHH phát triển khu công nghiệp Long Giang là 32,4km đường dây 3 pha); có 18.617 máy biến áp, với tổng dung lượng 2.046,3MVA (trong đó của Công ty TNHH phát triển khu công nghiệp Long Giang là 22 máy biến áp, với tổng dung lượng 0,94MVA).

Tổng chiều dài đường dây hạ áp 9.950,9km {3 pha 775,3km; 1 pha 9.175,6km; trong đó của Hợp tác xã tiêu thụ điện xã Tân Thanh là 57,8km (3 pha 1,6km; 1 pha 56,2km)}.

Về đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang cho biết, có 1.740 tổ chức, hộ gia đình lắp đặt điện mặt trời mái nhà nối lưới, với tổng công suất lắp đặt khoảng 62,1 MWp; có 2 dự án điện gió gồm Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 1 (công suất 100MW ở xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) đưa vào vận hành ngày 31/5/2023 và Nhà máy điện gió Tân Phú Đông 2 (công suất 50 MW ở xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) đưa vào vận hành ngày 31/10/2021.

Thúc đẩy kích cầu nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tháo gỡ khó khăn

Về nhiệm vụ và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm, ông Lưu Văn Phi cho biết, tỉnh Tiền Giang sẽ hoàn thành việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 liên quan đến lĩnh vực Công Thương. Đồng thời, tiếp tục tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về thủ tục hành chính, thông tin thị trường, nguyên liệu sản xuất, lao động, tiếp cận tín dụng, lao động, đất đại, năng lượng.

Cùng với đó, theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, vật tư đầu vào cho ngành công nghiệp, các hàng hóa thiết yếu khác… để chủ động có phương án đảm bảo cân đối cung cầu, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung, gây bất ổn thị trường.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh đồng chủ trì tại buổi làm việc (Ảnh: Báo Công Thương)

Ngoài ra, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu, thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ; chỉ đạo các hệ thống phân phối lớn trên địa bàn tỉnh thực hiện các chương trình khuyến mại, đưa hàng về nông thôn, phiên chợ hàng Việt, hội chợ,… nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa.

Tỉnh Tiền Giang tiếp tục quan tâm tổ chức các Chương trình xúc tiến thương mại đến các thị trường tiềm năng trong và ngoài nước như: Tổ chức cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị kết nối... trong và ngoài nước; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động thương mại, chú trọng phát triển thương mại điện tử; gắn kết giữa thương mại điện tử với các loại hình hoạt động thương mại truyền thống; tạo mọi điều kiện giảm chi phí của hoạt động thương mại.

Khai thác có hiệu quả Sàn Giao dịch điện tử tỉnh để cung cấp các giải pháp tìm kiếm trực tuyến các địa điểm sản xuất, phân phối nông sản, sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tập huấn kiến thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã và hộ dân về kiến thức và kỹ năng tiếp thị và bán hàng qua các mạng xã hội, livestream....

Đồng thời, tiếp tục kiến tạo cơ chế, chính sách kịp thời, hiệu quả từ việc cải cách các thủ tục hành chính đến cung ứng vốn, hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học - công nghệ, xây dựng thương hiệu, mã vùng trồng, cơ sở chế biến đóng gói, xúc tiến thương mại, cắt giảm chi phí logistics...

Đẩy mạnh đầu tư công, kịp thời thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh... Tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp từ nguồn Quỹ khuyến công để nâng cấp mở rộng nhà xưởng và đổi mới trang thiết bị phục vụ sản xuất về chế biến xuất khẩu. Đẩy mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp trong nước xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc; hỗ trợ doanh nghiệp FDI có đơn hàng xuất khẩu.

Cùng với đó, tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ các nhà đầu tư trong việc thực hiện quy hoạch các cụm công nghiệp, công trình lưới điện theo Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2016-2025; hỗ trợ các nhà đầu tư sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các dự án đầu tư chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, đồng thời đẩy nhanh tiến độ các dự án thương mại đang triển khai.

Sau khi nghe báo cáo và đề xuất của tỉnh Tiền Giang, đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và lãnh đạo Bộ Công Thương đã trả lời những đề xuất, kiến nghị cũng như ghi nhận những nội dung còn vướng mắc để sớm phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ những khó khăn nhằm tạo điều kiện để địa phương phát triển theo hướng bền vững.

Đảm bảo cơ chế, chính sách đồng bộ, khả thi để Tiền Giang thu hút đầu tư, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Tiền Giang có vị trí khá thuận lợi, hội tụ đầy đủ các yếu tố đặc trưng của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Địa bàn trung chuyển kết nối giữa các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long với TP. Hồ Chí Minh và miền Đông Nam bộ. Có tiềm năng lợi thế phát triển kinh tế biển, nông nghiệp, công nghiệp chế biến, du lịch, dịch vụ thương mại…

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo khai thác tốt tiềm năng lợi thế của địa phương, để thúc đẩy phát triển kinh tế, cơ cấu kinh tế của địa phương tăng dần tỷ trọng phi nông nghiệp; lĩnh vực công nghiệp và thương mại đạt kết quả khá tích cực.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Báo Công Thương)

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp cho tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới, cụ thể: Cần làm tốt công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính Phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo; Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là tập trung rà soát, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc các dự án trọng điểm đang triển khai trên địa bàn; Một số chính sách mới tiếp tục được áp dụng như giảm thuế VAT đã được Chính phủ triển khai, mong địa phương cũng sẽ chỉ đạo áp dụng các cơ chế này.

Ngoài ra, Bộ trưởng đề nghị tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thủ tục hành chính, rà soát tháo gỡ các quy định thủ tục, các quy chuẩn điều kiện kinh doanh không phù hợp, giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp; góp phần hỗ trợ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chủ động rà soát điều chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh. Khẩn trương triển khai thực hiện các quy hoạch thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản. Tăng cường quản lý chặt chẽ quỹ đất, mặt nước, không gian biển; đẩy nhanh tiến độ chọn nhà đầu tư đủ năng lực để khai thác bảo đảm vận hành đúng tiến độ và theo quy hoạch của Chính phủ phê duyệt.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng lưu ý Tiền Giang chú trọng rà soát sửa đổi bổ sung cơ chế, chính sách của địa phương, đảm bảo đồng bộ, khả thi để thu hút đầu tư, khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Công nghiệp, chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng hiện đại. Chú trọng rà soát quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi áp dụng công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cả thị trường trong nước và quốc tế. Kích cầu tiêu dùng chú trọng phát triển hạ tầng thương mại cả thương mại truyền thống và thương mại điện tử…

Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Báo Ấp Bắc)

Gửi lời cảm ơn lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ đã hỗ trợ địa phương trong thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh khẳng định tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến của Bộ trưởng và sẽ thực hiện trong thời gian tới. Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cũng bày tỏ mong muốn Bộ Công Thương sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ tỉnh, nhất là trong việc xúc tiến thương mại, kết nối giao thương với thị trường nước ngoài.

Cùng ngày, Đoàn công tác cũng đã đến thăm và làm việc với Công ty Cổ phần Thủy sản Gò Đàng tại Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

Căn cứ Quyết định 1762/QĐ-TTg ngày 31/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030, Tiền Giang tiếp tục quy hoạch phát triển 26 Cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.375 ha, nâng tổng số Cụm công nghiệp lên 30 Cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.476 ha (bao gồm cả 4 Cụm công nghiệp đang hoạt động). Hiện có 4 Cụm công nghiệp đang hoạt động thu hút 68 dự án (đến tháng 5/2024 các Cụm công nghiệp không thu hút dự án mới), trong đó có 6 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 0,2 tỷ USD và 998,2 tỷ đồng, diện tích thuê đất là 45,7 ha/77,6 ha, đạt 58,9% diện tích đất công nghiệp cho thuê.

Huyền My

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây