"8386"; "manifest"; "hồng hài nhi"; "dịu kha"; "đỉnh nóc, kịch trần, bay phấp phới"... là những từ mới được "update" trong bộ sưu tập tiếng lóng gen Z gây bão mạng xã hội năm qua.
Theo một khảo sát được thực hiện với 168 thanh thiếu niên Việt Nam độ tuổi từ 16 - 22 tuổi cho thấy, 86,3% người tham gia thừa nhận sử dụng ngôn ngữ này vì thấy vui vẻ, chạy theo trend và tiết kiệm thời gian; 42,9 % lạm dụng tiếng lóng gây cảm giác khó chịu cho đối phương.
Gen Z thích sử dụng tiếng lóng trong các cuộc trò chuyện vì nó giúp họ xây dựng bản sắc cá nhân và cảm giác thuộc về một nhóm cộng đồng. Việc sử dụng tiếng lóng không chỉ thể hiện phong cách riêng mà còn là cách họ kết nối với bạn bè và văn hóa trực tuyến.
Biểu hiện cá tính trong ngôn ngữ
Tiếng lóng là hiện tượng ngôn ngữ xuất hiện từ thế kỷ trước, từ các nguồn gốc khác nhau như tiếng lóng thuần Việt, tiếng lóng gốc Hán và tiếng lóng vay mượn từ Ấn, Âu. Theo ThS. Vũ Thị Minh Tâm - Giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học Hạ Long, xét trên khía cạnh của sự sáng tạo, tiếng lóng không chỉ được tạo ra từ thế hệ Gen Z mà đã được hình thành trước đó.
Tuy nhiên, đối tượng sử dụng tiếng lóng nhiều nhất có thể khẳng định đó là giới trẻ. Với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi, tiếng lóng một phần phản ánh được con người và khả năng, ý đồ giao tiếp của Gen Z đối với các sự việc xung quanh. "Bởi vậy, tiếng lóng có thể được coi là một trong những biểu hiện cá tính trong ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay", ThS Tâm nhận định.
Từ thực tiễn nghiên cứu, ThS Tâm nhận thấy, ngôn ngữ học giải thích sự ra đời và phát triển của tiếng lóng xét trên phạm vi nguồn gốc và độ ảnh hưởng, không giải thích sự phát triển mạnh mẽ trong các nhóm Gen Z. Sự phát triển này được tác động từ nhiều yếu tố bao gồm môi trường xã hội, giáo dục, các mối quan hệ xung quanh và đặc điểm bản thân đối tượng sử dụng và tiếp nhận (Gen Z).
8386 được Gen Z sử dụng để chúc đối phương "phát tài phát lộc" trong một dịp nào đó, như "Chúc chị em 8386, mãi đỉnh!”...
Về phía ngôn ngữ, có thể chỉ ra các khảo sát về hiện tượng sử dụng tiếng lóng của giới trẻ chủ yếu rơi vào tiếng lóng thuần Việt và tiếng lóng vay mượn từ Ấn Âu. Tiếp xúc với một nền văn minh hiện đại, cộng hưởng với những xu hướng mới mẻ nảy sinh từng ngày trong cộng đồng, giới trẻ dùng tiếng lóng như một bộ phận trong giao tiếp với mục đích ẩn giấu ý nghĩa đích thực hoặc phô bày ý nghĩa trong ý diễn đạt muốn thể hiện ở những ngôn cảnh nhất định.
"Bản thân tiếng lóng không xấu, nhưng mục đích và ý nghĩa sử dụng của mỗi người lại là vấn đề cần được quan tâm. Ngôn ngữ nào cũng muốn giữ những nét thuần phong, mỹ tục của nó, bởi vậy, nếu sử dụng tiếng lóng với tần suất dày đặc, dù chỉ là những câu nói bâng quơ hay trong các cuộc trò chuyện nghiêm túc với ý nghĩa tiêu cực, tiếng lóng sẽ trở thành một rào cản lớn trong hành trình "trong sáng" lại tiếng Việt", ThS Tâm nói.
Thực tế cho thấy, Gen Z đang sử dụng tiếng lóng với nhiều mục đích, trong đó không ngoại trừ có những ý nghĩa tiêu cực. Mặc dù ngôn ngữ tiếng Việt sẽ không mất đi vẻ đẹp vốn có của nó, nhưng việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt sẽ được đặt ra song song với hành trình định hướng lại về tiếng lóng.
Bản chất vốn có của tiếng lóng là che giấu đi một lớp nghĩa đích thực trong phát ngôn. Tiếng lóng là sự sáng tạo tích cực hay biểu hiện của sự xuống cấp ngôn ngữ dựa vào mục đích, ý đồ giao tiếp của chủ thể sử dụng; ý nghĩa của bản thân tiếng lóng, tần suất sử dụng trong ngôn cảnh.
Tiếng lóng thường ngắn gọn, giàu tính biểu đạt và phù hợp với tốc độ giao tiếp nhanh của thế giới số.
Cá tính hay thiếu nghiêm túc?
Chia sẻ với Tiền Phong, anh Phùng Văn Tráng - Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư năm 2024 cho rằng, việc Gen Z sử dụng tiếng lóng có thể làm giảm khả năng tương tác và liên kết giữa các đối tượng giao tiếp khác nhau.
Khi các bạn sử dụng tiếng lóng, người nghe đôi khi không hiểu được ý nghĩa, từ đó làm giảm tính chính xác của thông điệp và nội dung mà các bạn muốn truyền tải.
Hơn nữa, việc sử dụng tiếng lóng thường xuyên còn ảnh hưởng đến khả năng lập luận và tư duy logic trong giao tiếp, cũng như kỹ năng viết. Các bạn trẻ có xu hướng dùng nhiều từ đệm, từ lóng, sẽ mất thời gian giải thích lại ý nghĩa, khiến thông điệp trở nên rườm rà và thiếu mạch lạc.
'Dịu kha, 8386'... và bộ sưu tập tiếng lóng Gen Z gây bão mạng trong năm qua.
"Trong môi trường học thuật hoặc công việc, điều này có thể khiến hình ảnh của các bạn trong mắt người khác trở nên thiếu nghiêm túc, không chỉn chu và không chuyên nghiệp. Trong khi đó, sự chuyên nghiệp và ngôn ngữ chuẩn mực là những yếu tố rất cần thiết để xây dựng uy tín cá nhân và tạo ấn tượng tốt trong các bối cảnh trang trọng", anh Tráng nói.
Tuy nhiên, các bạn Gen Z mang trong mình sức trẻ, sáng tạo nên thay vì cấm đoán, cần khuyến khích các bạn theo hướng tích cực. Theo Nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư, để giáo dục thế hệ Gen Z cân bằng giữa việc sử dụng tiếng lóng và duy trì ngôn ngữ chuẩn mực trong các tình huống trang trọng, giảng viên, giáo viên cần giải thích để học sinh hiểu rõ sự khác biệt giữa tiếng lóng và ngôn ngữ chuẩn mực.
Đặc biệt, cần thực hiện các hoạt động giáo dục, lồng ghép nội dung về việc giữ gìn và phát huy sự trong sáng của tiếng Việt. Tạo ra các tình huống thực tế để học sinh nhận thức rõ tầm quan trọng của việc sử dụng ngôn ngữ chuẩn mực trong các bối cảnh trang trọng.
"Chúng ta cũng cần tổ chức các sân chơi sáng tạo, định hướng các giá trị cần có để giúp các bạn trẻ thỏa sức đam mê thể hiện tài năng của mình. Khuyến khích các bạn sử dụng mạng xã hội, ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo để xây dựng, sáng tạo các ấn phẩm truyền thông nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát huy và sáng tạo ngôn ngữ tiếng Việt", anh Tráng nói.
Châu Linh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn