Thắp sáng tri thức từ mô hình thư viện thân thiện

Thứ ba - 12/11/2024 13:50
 

GS Lê Văn Lan trò chuyện cùng thầy trò nhà trường tại Thư viện.

Việc xây dựng thư viện thân thiện, hiện đại với nhiều đầu sách phong phú hay mời diễn giả về nói chuyện chuyên đề về văn hóa đọc đã và đang được nhà trường triển khai tích cực, mang lại hiệu quả cao.

Giao lưu với nhà Sử học Lê Văn Lan

Ngày 11/11, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ tổ chức buổi sinh hoạt dưới cờ thật đặc biệt với sự có mặt của một vị khách vô cùng đặc biệt là GS Sử học Lê Văn Lan - một trong những chuyên gia hàng đầu về Sử học ở Việt Nam.

Dù đã bước sang tuổi 91, phong cách nói chuyện mạch lạc pha chút dí dỏm của nhà Sử học đã cuốn hút hàng nghìn học sinh của trường vào những câu chuyện lịch sử ông kể.

Nhà giáo Ưu tú Hoàng Thanh Thủy – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hoạt động này đã được lên kế hoạch và chuẩn bị từ lâu để phù hợp với lịch làm việc của GS Lê Văn Lan. Thầy trò nhà trường vô cùng ngưỡng mộ tài năng, đức độ và tâm huyết của người thầy đáng kính cũng như những đóng góp lớn lao của ông với nền Sử học nước nhà nên mọi người ai cũng vô cùng háo hức, mong chờ.

Tại chương trình, học sinh nhà trường được lắng nghe GS Lê Văn Lan chia sẻ nhiều câu chuyện lịch sử của nước nhà. Trong đó, ông đã hướng học sinh nắm bắt được những thông tin cơ bản về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của chí sĩ Nguyễn Trường Tộ với đất nước. Mỗi câu hỏi ông đưa ra, học sinh nào trả lời đúng sẽ nhận được một phần quà là một cuốn sách/truyện lịch sử có chữ ký tặng của vị diễn giả.

Mở đầu, GS Lê Văn Lan đặt câu hỏi cho học sinh về ý nghĩa của họ tên nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Trường Tộ. Một số em đã hăng hái giờ tay lên phát biểu và đưa ra câu trả lời gần đúng với đáp án. GS Lê Văn Lan nhấn mạnh, Nguyễn Trường Tộ sinh năm 1828, mất năm 1871 khi mới 43 tuổi. Cuộc đời tuy ngắn ngủi nhưng ông là một con người giàu lòng yêu nước, nặng lòng với quốc gia, dân tộc chỉ tiếc là không gặp thời.

Thời gian tham gia các hoạt động yêu nước không dài, nhưng Nguyễn Trường Tộ đã làm được rất nhiều việc cho dân, đó là viết những bản kiến nghị trong đó đề xuất nhiều cải cách để phát triển đất nước từ năm 1863 - 1871.

Hậu thế biết ông đã viết 14 tập điều trần đề nghị dâng lên triều đình nhà Nguyễn để phát triển kinh tế, xã hội, quân sự, văn hóa, giáo dục… chứa đựng nhiều ý kiến xuất sắc, đúng đắn. Tiếc thay, những đề xuất tâm huyết đó lại không được triều đình và nhà vua chấp nhận.

“Chúng ta hãy cùng học tập ở cụ Nguyễn Trường Tộ về tài năng, tính kiên trì, sự tận tâm và tinh thần yêu nước thương dân. Ngày nay, các em được học dưới mái trường mang tên của chí sĩ Nguyễn Trường Tộ rất khang trang, hiện đại.

Các em cần thể hiện lòng biết ơn tới các bậc tiền nhân, tới Đảng, Bác Hồ và cách mạng đã đem đến cho chúng ta cuộc sống tự do, hạnh phúc như ngày nay. Từ đó ra sức học tập, phấn đấu để dựng xây, phát triển đất nước” - GS Lê Văn Lan gửi gắm.

GS Sử học Lê Văn Lan giao lưu, tặng quà cho học sinh Trường THCS Nguyễn Trường Tộ sáng 11/11.

Hướng đến ngôi trường học tập toàn cầu

Trong khuôn khổ của chương trình, GS Lê Văn Lan đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của sách cũng như văn hóa đọc với các em học sinh. Ngày nay, dù công nghệ có phát triển nhưng sách vẫn là một kênh thông tin vô cùng hữu ích giúp lan tỏa tri thức cho học sinh. GS Lê Văn Lan và đại diện Quỹ Giác ngộ đã tặng sách, quà cho một số em hoàn cảnh khó khăn của trường để vươn lên trong học tập.

“Mỗi lần học sinh nhận được một cuốn sách do vị diễn giả ký tặng, các em đều vô cùng trân quý để nhắc nhớ về bài học làm người. GS Lê Văn Lan và đoàn công tác cũng tiến hành tặng cho Thư viện nhà trường hàng trăm đầu sách hay về lịch sử, đời sống. Đây là một trong những hoạt động quan trọng góp phần giúp nhà trường lan tỏa văn hóa đọc, hoạt động của Thư viện ngày càng phong phú và hiệu quả”, cô Hiệu trưởng Hoàng Thanh Thủy nhấn mạnh.

Thời gian qua, Trường THCS Nguyễn Trường Tộ đã được UBND Quận đầu tư, xây dựng Thư viện hiện đại trên tầng 3 với khoảng 10.000 đầu sách; tổng diện tích mặt sàn rộng hơn 250m2 gồm phòng đọc của học sinh và phòng đọc cho giáo viên. Từ thiết kế, bài trí đến quản lý việc đọc sách đều rất tinh tế, áp dụng CNTT để quản lý và tra cứu thông tin. Trường cũng có một Thư viện mở dưới tầng 1 giúp học sinh tham khảo, thư giãn, phụ huynh đọc sách để chờ đón con vào cuối giờ học mỗi ngày.

Hàng tuần, Thư viện tổ chức tuyên truyền, giới thiệu sách mới theo chương trình “Mỗi tuần một câu chuyện đẹp, một cuốn sách hay” nhằm giúp học sinh hình thành những cảm nhận tốt đẹp về cuộc sống xung quanh.

Chuyên đề tháng, Thư viện triển khai có hiệu quả Ngày hội đọc sách để khơi gợi niềm đam mê đọc sách của học sinh, đồng thời xây dựng cho các em thói quen tốt trong việc chủ động đọc sách ở trường và ở nhà một cách tích cực.

Với “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời”, Thư viện nhà trường đã tổ chức việc trưng bày sách, trải nghiệm đọc sách và truy cập kho sách điện tử bằng nhiều hoạt động thiết thực, góp phần lan tỏa tinh thần học tập suốt đời, thúc đẩy văn hóa đọc và tạo động lực cho những bước tiến tiếp theo trong lộ trình xây dựng ngôi trường học tập toàn cầu. Thư viện nhà trường luôn khuyến khích học sinh không chỉ dừng lại ở việc đọc sách mà còn biết “lắng nghe sách nói” nhằm vun bồi, xây đắp tình yêu với sách để giúp các em trưởng thành và hoàn thiện bản thân mình hơn.

Đình Tuệ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây