Nữ huấn luyện viên môn kỵ xạ 'được là chính mình' trên lưng ngựa

Thứ năm - 28/11/2024 10:50
 

Tôi là Nguyễn Thanh Lam (sinh năm 2003), sinh viên năm 3 tại Học viện Tài chính. Tôi cũng là huấn luyện viên môn kỵ xạ (cưỡi ngựa bắn cung) tại một câu lạc bộ ở Hà Nội với gần 2 năm gắn bó.

Trước đây, tôi chưa từng nghĩ đến việc có thể cưỡi ngựa, cũng chỉ thấy bộ môn này trên phim ảnh và gắn với hình ảnh các vị tướng sĩ chiến đấu mạnh mẽ. Tuy nhiên sau một lần có cơ hội trải nghiệm, tôi nhanh chóng mê mẩn, phấn khích khi lần đầu có thể giữ thăng bằng trên lưng ngựa, sau đó là ra lệnh cho nó di chuyển, rồi vừa phi nước đại vừa bắn cung.

Từ học viên, sau khi thành thạo, tôi được anh Phạm Văn Phúc (chủ nhiệm câu lạc bộ) ngỏ lời mời ở lại đảm nhận một số công việc phụ trợ và tư vấn khách hàng. Sau đó, tôi xin học hỏi thêm về ngựa và chăm sóc ngựa. Dần dần, anh Phúc thấy tôi có năng lực, đề nghị trở thành huấn luyện viên, rồi gắn bó đến bây giờ. Không chỉ đem lại thu nhập, công việc này còn giúp tôi được thỏa thích duy trì đam mê.

Vì vẫn còn đi học, tôi đến câu lạc bộ luyện tập và dạy khách vào buổi chiều các tuần (trừ thứ 2), hôm nào được nghỉ hoặc cuối tuần sẽ ra từ khoảng 8, 9h sáng. Dịp cuối tuần cũng thường là lúc đông khách nhất, tôi sẽ dạy khoảng 4-5 ca/ngày.

Sáng nay, tôi có lịch dạy cho một em nhỏ lần đầu cưỡi ngựa. Trước buổi học, tôi giới thiệu em với Windy - chú ngựa sẽ đồng hành hôm nay. Ở bộ môn này, sự ăn ý, gắn bó giữa người và ngựa là một trong những điều quan trọng, nên dù khách lạ hay quen, tôi đều hướng dẫn làm quen, vuốt ve ngựa trước tiên.

Cô bé 9 tuổi ban đầu hơi rụt rè trước chú ngựa to lớn, song dần dần, em tương tác với người bạn đồng hành nhiều hơn. Hiện, câu lạc bộ có các khóa từ cơ bản đến nâng cao, học phí dao động 6-6,5 triệu đồng. Mỗi khóa gồm 12 buổi, mỗi buổi 40 phút cưỡi ngựa và 20 phút bắn cung. Học viên sẽ học 1-1 với huấn luyện viên, phải thành thục bắn cung dưới đất trước khi có thể lên lưng ngựa thực hành.

Giống tôi, nhiều vị khách sau lần đầu trải nghiệm nhanh chóng thích thú và gỡ bỏ nhiều lầm tưởng về bộ môn này. Ngoài các khóa học, câu lạc bộ có chương trình tham quan miễn phí hay trải nghiệm trong 10 phút (180.000 đồng), 40 phút (650.000 đồng, kèm bắn cung). Nhiều người đã “phải lòng” kỵ xạ và đăng ký hội viên hoặc theo học chỉ sau một buổi tham quan.

Hiện câu lạc bộ tôi sinh hoạt có 5 huấn luyện viên cùng 16 chú ngựa, đều có tên riêng như Thiết Mộc Chân, Lạc Thần, Trương Phi, Snowy, Rocky… được đích thân chủ nhiệm lựa chọn. Một điều đặc biệt là 3/5 huấn luyện viên và khoảng 65% khách hàng ở đây là nữ giới trong bộ môn nhiều người tưởng chừng sẽ “cộp mác” các chàng trai cao to.

Tôi thân thuộc và hay cưỡi nhất là chú ngựa có tên Lạc Thần, 6 tuổi. Lạc Thần tình cảm, dễ bắt nhịp, nhạy cương và hiểu tâm lý người trên lưng, cũng là chú ngựa được nhiều hội viên yêu mến. Tuy nhiên, cũng có những ngày Lạc Thần đỏng đảnh hay vừa làm việc vừa… ngủ gật lười biếng.

Tôi từng được nhận xét là “bánh bèo” và khá nhút nhát. Nhưng từ khi tiếp xúc với bộ môn này, tôi thấy thật ra mình có thể làm được nhiều hơn bản thân nghĩ. Giờ, tôi có thể tự tin cưỡi ngựa bắn cung, múa thương trước mặt nhiều khán giả, vì tôi cảm thấy tôi được là chính mình, đầy tự do và phóng khoáng, như “cá gặp nước” vậy. Công việc này cũng cho tôi cơ hội quen biết nhiều người chung đam mê, và cũng không ít học viên tìm đến kỵ xạ để xả stress.

Thời gian đầu đi dạy, nhiều khách hoài nghi năng lực khi thấy vóc dáng tôi nhỏ bé, cao 1,56 m, nặng 42 kg, “làm sao mà điều khiển được con ngựa to đùng vậy”. Tuy nhiên chỉ sau một buổi tập, sự lo lắng ấy tan biến, khi họ biết rằng sức mạnh không phải là tất cả ở bộ môn này.

Buổi chiều, tôi có lịch tập với 3 khách. Vẫn là màn làm quen chào hỏi để kiểm tra tâm trạng ngựa. Với những khách đã biết cưỡi, họ có thể chỉ mua gói hội viên và tự luyện tập song vẫn có sự quan sát, hỗ trợ từ huấn luyện viên.

Một trong những điều tôi thích thú khi sinh hoạt kỵ xạ ở đây là việc được mặc cổ phục. Mỗi huấn luyện viên được đặt may riêng một bộ áo giao lĩnh của thời Lý - Trần - Lê, cung cũng dùng loại cung cổ không có trợ lực, đòi hỏi người chơi biết cách điều khiển trước khi bắn. Kỵ xạ cổ cũng là hình ảnh chúng tôi hướng tới xây dựng thay vì theo phong cách cưỡi ngựa phương Tây.

Khác với trường phái ngựa đua, ở kỵ xạ, chúng tôi tập trung dạy khách cách chạy đại và đánh hông lên xuống theo nhịp ngựa phi, học cách giao tiếp với ngựa qua các ký hiệu và hiểu cả tâm trạng nó, biết cách giữ thăng bằng tốt để sau đó thả dây cương, tay bắn cung nhắm sao cho thật chính xác mục tiêu.

Gần đây, nhờ sự lan tỏa của mạng xã hội, môn kỵ xạ ngày càng được nhiều người biết tới và tìm học, thậm chí có nhiều khách nước ngoài như Trung Quốc, Bỉ, Israel. Tôi cũng hy vọng có thể phần nào qua đây lan tỏa tình yêu một bộ môn thể thao kết hợp văn hóa này tới các bạn trẻ.

Câu lạc bộ kỵ xạ chúng tôi cũng là một cộng đồng những người yêu thích cưỡi ngựa và lịch sử. Mọi khách hàng, học viên hay huấn luyện viên đều xem nhau như những người bạn không màng lứa tuổi, quốc tịch, kết nối với nhau bằng niềm đam mê kỵ xạ.

Mỗi khi ở bên những chú ngựa, tôi thấy như bản thân được hòa vào tự do, tạm xa muộn phiền trong cuộc sống và thực sự được là chính mình. Đây chắc chắn là cảm giác hạnh phúc mà tôi muốn gợi ý mọi người thử một lần trong đời.

Thế Bằng - Ánh Hoàng

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây