Tham dự hội nghị có lãnh đạo đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT; đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an; các Sở GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đại học; các thầy, cô giáo...
Quang cảnh hội nghị Bồi dưỡng kiến thức phòng, chống ma túy cho cơ sở giáo dục khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Nguyễn Xuân An Việt cho biết: Ngày 9/11 là ngày bản Hiến pháp đầu tiên được thông qua - Hiến pháp 1946 và nước ta lấy ngày này là Ngày Pháp luật Việt Nam, nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật.
Qua hội nghị, các thầy cô có thể có thêm kiến thức bổ ích để triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kỹ năng về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên và trở thành những tuyên truyền viên tích cực cho bạn bè, gia đình và mọi người.
Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên Nguyễn Xuân An Việt phát biểu khai mạc hội nghị.
Trung tá Phan Đăng Trung, Phó trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết: Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ở nước ta diễn biến rất phức tạp. Đáng chú ý là tình trạng tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đang diễn ra tại nhiều địa phương, nhất là ở các thành phố lớn… trong đó có lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên.
Vì vậy, cần trang bị những thông tin, kiến thức, kỹ năng để có thể chủ động phòng ngừa ma túy, ngăn ngừa tình trạng học sinh, sinh viên bị lôi kéo sử dụng các loại ma túy “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử…
Trung tá Phan Đăng Trung, Phó trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an báo cáo tại hội nghị
Hội nghị cũng ghi nhận chia sẻ của các đại biểu về kinh nghiệm của địa phương, của các cơ sở giáo dục trong phòng chống, đẩy lùi tệ nạn ma túy trong trường học.
Theo thầy giáo Lê Quang Thuận, Bí thư chi đoàn trường THPT Hùng Vương, Bình Thuận, về công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong trường học, hàng năm nhà trường đều thực hiện với nhiều hình thức, như: Ngoại khóa phòng, chống ma túy trong học đường với các câu hỏi trắc nghiệm, xử lý tình huống, vẽ tranh, sân khấu hóa; Tổ chức phiên tòa giả định để giúp học sinh hiểu hơn về pháp luật nếu mua bán, tàng trữ ma túy; Giáo viên chủ nhiệm và ban tư vấn tâm lý học đường trò chuyện để tìm hiểu học sinh có sử dụng ma túy không, nếu có sẽ động viên học sinh test; Phối hợp với gia đình để giáo dục học sinh phòng, chống ma túy; Kết hợp với công an tỉnh Bình Thuận kiểm tra học sinh nếu nghi ngờ sử dụng ma túy.
Tuy nhiên, theo thầy Thuận, các thầy cô giáo, các báo cáo viên, tuyên truyền viên cần tiếp cận làm sao để học sinh không bị tổn thương, giúp gia tăng hiệu quả tuyên truyền phòng, chống ma túy.
Đại diện Trung tâm GDTX tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay, học sinh tại các trung tâm GDTX đến từ nhiều vùng khác nhau. Các thầy cô giáo khó khăn trong việc nhìn nhận, phát hiện học sinh sử dụng ma túy nên những thông tin trong hội nghị rất thiết thực. Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành giáo dục và ngành công an sẽ giúp công tác phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục hiệu quả hơn.
Lê An
Hoàng Linh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn