Lý do nâng chuẩn đầu vào nhóm ngành sức khỏe

Thứ tư - 27/11/2024 12:00
 

Trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, Bộ GD&ĐT điều chỉnh quy định về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) các ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề. Cụ thể, thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành này phải có kết quả học tập trong cả ba năm THPT từ mức tốt trở lên, hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8,0 trở lên.

Đối với các ngành: Giáo dục thể chất; Sư phạm âm nhạc; Sư phạm mỹ thuật; Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng; Điều dưỡng; Y học dự phòng; Hộ sinh; Kỹ thuật phục hình răng; Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học; Kỹ thuật phục hồi chức năng thì kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Các điều kiện này đều cao hơn so với hiện nay - thí sinh chỉ cần xếp loại học lực giỏi hoặc khá ở lớp 12.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT).

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT chia thí sinh thi vào các ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe thành hai nhóm. Điều kiện về học bạ chỉ áp dụng với nhóm không xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Với nhóm xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp, Bộ sẽ công bố điểm sàn hàng năm. Dự thảo không còn phân chia mức sàn theo phương thức xét tuyển.

Ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe là hai ngành có tính chất đặc thù. Do đó, để nâng chất lượng đầu vào, nhiều năm qua, Bộ GD&ĐT quy định điểm sàn với 2 nhóm ngành này và mức điểm sàn được công bố vào khoảng trung tuần tháng 7.

Hai năm qua, điểm sàn xét tuyển khối ngành đào tạo giáo viên và ngành sức khỏe giữ ổn định. Ngưỡng đầu vào ngành đào tạo giáo viên xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là 18 - 19 điểm cho tổ hợp 3 môn. Riêng ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng là 17 điểm. Mức này đã bao gồm điểm ưu tiên.

Riêng 11 ngành thuộc nhóm sức khỏe phải lấy điểm sàn tối thiểu 19-22,5, cao nhất là Y khoa và Răng - Hàm - Mặt.

Về lý do nâng chuẩn đầu vào nhóm ngành sức khỏe, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, quy định thống nhất ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành sức khỏe và sư phạm ngay trong quy chế tuyển sinh mục đích cũng là để bảo đảm sự công bằng cho các thí sinh ứng tuyển, không phân biệt tuyển sinh theo phương thức nào. "Bên cạnh đó, việc quy định dựa trên kết quả cả ba năm cấp THPT là để tạo tác động tích cực trở lại cho quá trình dạy và học ở bậc THPT" - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học giải thích.

Đỗ Vi

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây