Chính phủ đã có tờ trình số 656/TTr-CP gửi Quốc hội về dự thảo Luật Nhà giáo. Theo đó, dự thảo Luật Nhà giáo sẽ trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Một trong số những điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật Nhà giáo là quy định kéo dài thời gian làm việc khi nghỉ hưu không quá 5 năm đối với nhà giáo có trình độ tiến sĩ, không quá 7 năm đối với nhà giáo có chức danh phó giáo sư, không quá 10 năm đối với nhà giáo có chức danh giáo sư.
Trong khi, quy định hiện hành theo Nghị định 50/2022/NĐ-CP được ban hành ngày 2/8/2022 Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, giảng viên có trình độ tiến sĩ nhưng không phải giảng viên cao cấp không được kéo dài thời gian làm việc; giảng viên là tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư chỉ được kéo dài thời gian công tác tối đa không quá 5 năm.
Kéo dài thời gian làm việc của giáo sư, phó giáo sư tác động tích cực đến công tác đào tạo
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực nêu quan điểm: “Hiện nay, xu thế toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.
Để đáp ứng xu thế ấy, vai trò của giáo dục, đào tạo, trong đó hệ thống quản trị, quản lý, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao mang ý nghĩa tiên quyết trong việc hoàn thành sứ mệnh của các cơ sở giáo dục.
Kéo dài thời gian làm việc sau nghỉ hưu ở tuổi cao hơn trong Dự thảo Luật Nhà giáo so với quy định hiện hành thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là những người có trình độ cao, kinh nghiệm dày dặn. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu của các cơ sở giáo dục mà còn tạo điều kiện để những nhà giáo có tâm huyết tiếp tục cống hiến".
Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực khẳng định, việc đội ngũ nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư kéo dài thời gian làm việc sau khi đủ tuổi nghỉ hưu mang đến nhiều lợi ích thiết thực và ý nghĩa cho công tác đào tạo của nhà trường, đặc biệt là trong việc đào tạo sau đại học và phát triển các nhóm nghiên cứu.
Thầy Châu lý giải: "Đội ngũ nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư với nhiều kinh nghiệm giảng dạy góp phần đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo, đặc biệt là những môn học chuyên ngành, các khóa luận, luận văn, luận án, từ đó duy trì sự liên tục và ổn định của các chương trình đào tạo.
Các thầy, cô có thể chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, giúp sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tiếp cận gần hơn với thực tế công việc. Họ cũng sẽ là hạt nhân của các nhóm nghiên cứu, hỗ trợ các nhóm nghiên cứu hoạt động hiệu quả, nâng cao kết quả nghiên cứu.
Bên cạnh đó, đội ngũ nhà giáo có trình độ cao còn có nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế. Việc kéo dài thời gian làm việc giúp họ có thể duy trì và mở rộng các mối quan hệ này, tạo điều kiện cho Nhà trường hợp tác với các đối tác quốc tế, thu hút sinh viên nước ngoài đến học tập và nghiên cứu tại Nhà trường.
Ngoài ra, sự có mặt của đội ngũ nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư sẽ góp phần nâng cao vị thế của đơn vị trong cộng đồng khoa học. Đồng thời, việc có đội ngũ giảng viên chất lượng cao sẽ giúp nhà trường thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và đào tạo”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu, Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực. Ảnh: NVCC.
Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Hồ Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế) thông tin, hiện tại, nhà trường đang thực hiện kéo dài thời gian công tác sau khi nghỉ hưu đối với 1 giảng viên có chức danh giáo sư và 5 giảng viên có chức danh phó giáo sư.
Đánh giá về tác động của quy định mới đến vấn đề đào tạo của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế), Tiến sĩ Lê Hồ Sơn nêu thực tế, theo quy định tại Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, để mở mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, các cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng các điều kiện về giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 5, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, muốn mở mã ngành đào tạo thạc sĩ, cơ sở đào tạo phải có ít nhất 5 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có 1 giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 3 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
Theo khoản 1 Điều 6 của Thông tư này nêu, để mở mã ngành đào tạo tiến sĩ, cơ sở đào tạo phải có ít nhất 1 giáo sư hoặc 2 phó giáo sư và 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu (các ngành đào tạo giáo viên tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam, ngành đào tạo Ngôn ngữ, văn học và văn hóa nước ngoài, ngành đào tạo Thể dục, thể thao, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Nghệ thuật, phải có ít nhất 1 giáo sư hoặc 1 phó giáo sư và 2 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu), trong đó có 1 giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 3 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo.
Bên cạnh đó, quy định về nhóm nghiên cứu mạnh trong cơ sở giáo dục đại học theo Nghị định số 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dụcđại học cũng đặt ra những yêu cầu cao về thành tích cũng như kinh nghiệm nghiên cứu khoa học đối với trưởng nhóm và thành viên của nhóm nghiên cứu mạnh.
"Do đó, kéo dài thời gian làm việc đối với nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư như dự thảo Luật Nhà giáo sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học có nhiều thuận lợi về mặt nhân lực để mở mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh, bồi dưỡng các giảng viên trẻ cũng như đảm bảo chất lượng đào tạo và nghiên cứu", thầy Sơn nêu.
Cần có chính sách khuyến khích giáo sư, phó giáo sư tiếp tục cống hiến sau khi đến tuổi nghi hưu
Đội ngũ nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư là những người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy.
Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực Đinh Văn Châu khẳng định, các thầy cô này sở hữu 1 kho tàng kiến thức chuyên sâu, những hiểu biết sâu sắc về lĩnh vực của mình và khả năng tư duy độc lập, sáng tạo.
Môi trường làm việc đa dạng về độ tuổi, kinh nghiệm và quan điểm sẽ tạo ra sự phong phú, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo. Sự có mặt của đội ngũ nhà giáo có trình độ cao sẽ giúp các nhà nghiên cứu trẻ học hỏi, phát triển và giải quyết những vấn đề phức tạp.
Vì vậy, việc tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư tiếp tục cống hiến sau khi đến tuổi nghỉ hưu là vấn đề hết sức quan trọng, không chỉ đối với các cơ sở giáo dục đại học mà còn đối với sự phát triển chung của giáo dục đất nước.
Đề cập đến những chính sách khuyến khích đội ngũ giáo sư, phó giáo sư tiếp tục cống hiến, Tiến sĩ Lê Hồ Sơn bày tỏ: "Việc luật hóa quy định về kéo dài thời gian làm việc khi nghỉ hưu đối với giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư vừa thể hiện chính sách trọng dụng nhân tài của Nhà nước, vừa là cơ sở pháp lý quan trọng để các các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục tạo điều kiện làm việc cho các thầy, cô khi đã đến tuổi nghỉ hưu.
Để phát huy tốt nhất năng lực của các giáo sư, phó giáo sư, các cơ sở đào tạo cần có những quy định rõ ràng về nhiệm vụ của họ trong thời gian kéo dài làm việc với những chỉ số cụ thể để thuận lợi cho việc đánh giá.
Bên cạnh đó, cần tạo điều kiện thuận lợi để làm việc như máy móc, thiết bị, phòng thí nghiệm để hỗ trợ các giáo sư, phó giáo sư trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu.
Ngoài các nhiệm vụ về giảng dạy, nghiên cứu, tôi cho rằng nhất định phải phát huy tối đa vai trò của các giáo sư, phó giáo sư trong việc hướng dẫn, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên kế cận".
Tiến sĩ Lê Hồ Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Huế). Ảnh: NVCC.
Nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư là vốn quý của xã hội
Lãnh đạo 1 trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các giáo sư, phó giáo sư sẽ làm việc đến thời điểm họ mong muốn. Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của họ để đưa ra quyết định tiếp tục làm việc hay nghỉ ngơi, không có quy định về tuổi nghỉ hưu.
Để đào tạo được những người đạt đến trình độ cao, am hiểu kiến thức hàn lâm, học thuật không phải dễ dàng. Các giáo sư, phó giáo sư là vốn quý, là tinh hoa của xã hội. Nếu chúng ta không tận dụng sẽ vô cùng lãng phí.
Hiện nay, đội ngũ giảng viên là tiến sĩ trong cơ sở giáo dục đại học cũng đang nỗ lực để trở thành phó giáo sư, giáo sư.
Tuy nhiên, tỷ lệ giáo sư, phó giáo sư trên đầu người ở Việt Nam còn thấp so với các nước trên thế giới. Nếu chúng ta có thể tiếp tục sử dụng những nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư, đủ sức khỏe làm việc, điều này sẽ tác động tích cực đến việc nâng cao mặt bằng chất lượng giáo dục của đất nước.
Đa số các nhà giáo có chức danh giáo sư, phó giáo sư ở trường đại học nơi tôi đang công tác đều kéo dài thời gian làm việc sau khi đến tuổi nghỉ hưu.
Các thầy, cô vẫn đảm bảo vấn đề sức khỏe cùng với niềm đam mê cống hiến, mong muốn trao truyền tri thức, kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và giảng dạy cho thế hệ sau.
Ban giám hiệu Nhà trường luôn cố gắng tạo điều kiện môi trường làm việc thuận lợi, có cơ chế, chính sách khuyến khích về nghiên cứu khoa học, đào tạo để giữ chân đội ngũ giảng viên có trình độ cao”.
Hồng Linh
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn