Giáo dục hiện đại và câu chuyện dạy thêm, học thêm

Thứ năm - 28/11/2024 13:50
 

Nhiều chuyên gia cho rằng, học thêm, dạy thêm là hoạt động cần thiết để đáp ứng nhu cầu chính đáng của học sinh. (Nguồn: Lao động)

Dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT hiện đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các phụ huynh, học sinh. Nhiều ý kiến đồng tình nhưng vẫn còn đó những ý kiến trái chiều cho thấy, cần tới những giải pháp đi từ thực tế để đưa hoạt động này được minh bạch, tạo uy tín cho giáo viên, chất lượng cho học sinh.

Trong đó, có một số nội dung nổi bật như: nguyên tắc trong dạy thêm và học thêm; giới hạn thời lượng dạy và học thêm trong nhà trường; quy định về dạy thêm bên ngoài... Khi chính thức ban hành, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 17 ngày 16/5/2012 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Việc dạy thêm, học thêm vẫn luôn là chủ đề nóng trong hệ thống giáo dục phổ thông. Trong xã hội ngày nay, việc học thêm và dạy thêm trở thành một phần không thể thiếu trong nền giáo dục của nhiều học sinh, là nhu cầu tất yếu xuất phát từ chính bản thân học sinh nhằm đáp ứng việc học tập và nâng cao kiến thức. Vậy học thêm và dạy thêm thực sự có ý nghĩa gì và chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Có thể nói, học thêm và dạy thêm là một trong những giải pháp mà nhiều phụ huynh và học sinh tìm đến để cải thiện kết quả học tập. Với chương trình học chính khóa ngày càng nặng nề và khối lượng kiến thức rộng lớn, việc học thêm giúp học sinh củng cố kiến thức, bổ sung những phần mà giáo viên chưa kịp giảng dạy hoặc không thể đi sâu vào trong lớp học.

Đặc biệt, đối với những học sinh có khả năng học tập yếu, đây trở thành một cơ hội để các em tiếp cận các kiến thức cơ bản. Trong bối cảnh các kỳ thi ngày càng cạnh tranh, học thêm có thể giúp học sinh làm quen với các dạng bài tập, đề thi và chuẩn bị tốt hơn cho các kỳ kiểm tra, thi cử.

Bên cạnh đó, hoạt động này phản ánh quy luật cung - cầu trong xã hội. Đặc biệt, ở các bậc học cao hơn, nhu cầu học xuất hiện nhiều hơn do áp lực từ các kỳ thi và mong muốn nâng cao năng lực cá nhân. Do đó, việc dạy thêm, ở một khía cạnh nào đó, được xem là cần thiết để đáp ứng những mong muốn chính đáng này.

Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích, học thêm có thể tạo ra một áp lực rất lớn đối với học sinh, đặc biệt là đối với những em có gia đình khó khăn. Vì dành thời gian đi học thêm, học sinh không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí hoặc tham gia các hoạt động ngoài trời, điều này có thể làm giảm khả năng phát triển toàn diện của trẻ.

TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, để đảm bảo việc dạy thêm diễn ra đúng quy định, cần có sự quản lý đồng bộ và nghiêm túc từ các cấp. Điều này bao gồm cả việc chuẩn hóa chương trình học, đề thi để tránh tình trạng "học thêm để có điểm cao".

Đồng thời, việc thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh từ phụ huynh cũng là một giải pháp hữu hiệu. Ngoài ra, cần thông qua các chương trình giáo dục cho phụ huynh, giúp họ hiểu rõ tác động của việc dạy thêm đối với sự phát triển toàn diện của con em mình, giúp phụ huynh đưa ra quyết định sáng suốt, tránh tình trạng học sinh bị ép buộc hoặc tham gia các lớp học không phù hợp.

Trong khi đó, TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam bày tỏ quan điểm, Dự thảo về việc dạy thêm, học thêm có những điểm tích cực như tạo điều kiện cho giáo viên dạy thêm hợp pháp, công bằng với các ngành nghề khác, đưa ra giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng ép buộc học sinh học thêm.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề cần làm rõ trong thông tư, đặc biệt là trong bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến phát triển năng lực và phẩm chất người học. Hiện tại, giáo dục vẫn tập trung quá nhiều vào việc nhồi nhét kiến thức và chạy theo điểm số, dẫn đến học sinh phải học thêm nhiều mà không phát triển được kỹ năng và năng lực thực sự. Áp lực từ việc học thêm khiến trẻ em mất tuổi thơ và cảm thấy mệt mỏi.

Để cải thiện tình trạng này, quản lý dạy thêm cần đảm bảo tính tự nguyện từ học sinh và phụ huynh, đồng thời thay đổi nhận thức của thầy cô, cha mẹ và học sinh về giá trị thực sự của giáo dục. Học thêm quá nhiều không đảm bảo thành công trong tương lai, cần tránh việc dạy thêm chỉ để đạt điểm cao.

Ngoài ra, các phương thức tuyển sinh vào trường chuyên, trường chất lượng cao cần thay đổi để giảm áp lực học thêm và tập trung vào thi cử. Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ cho việc dạy thêm phụ đạo trong trường để đảm bảo sự công bằng và hiệu quả.

Với mục tiêu giáo dục là phát triển tư duy, năng lực học sinh thay vì chỉ nhồi nhét kiến thức thuần túy thì vấn đề dạy thêm, học thêm như đang diễn ra càng cần phải chấn chỉnh. Vì năng lực, tư duy hình thành từ nhiều hoạt động, không phải chỉ ngồi trong lớp học để giải bài tập, nâng điểm số. Việc đổi mới kiểm tra, thi cử cũng là giải pháp mạnh mẽ để ngăn ngừa tình trạng dạy thêm, học thêm không cần thiết như hiện nay.

Vậy làm thế nào để giải quyết những vấn đề liên quan việc học thêm, dạy thêm? Trước hết, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với các lớp học thêm. Các lớp học này cần phải được tổ chức một cách minh bạch, có sự giám sát của các cơ quan giáo dục để đảm bảo chất lượng giảng dạy và sự công bằng giữa các học sinh.

Đồng thời, việc học thêm cũng không nên được coi là một phương án tối ưu. Học sinh cần được khuyến khích phát triển những kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, thay vì chỉ dựa vào việc học thêm để vượt qua kỳ thi. Các thầy cô giáo trong trường cũng cần tạo ra một môi trường học tập thú vị, sáng tạo và gần gũi để học sinh có thể tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và hiệu quả.

Cha mẹ cần nhận thức rằng việc học thêm không phải là con đường duy nhất giúp con cái thành công, quan tâm đến việc phát triển toàn diện của trẻ, bao gồm cả các kỹ năng xã hội, thể chất và tinh thần. Chỉ khi học sinh có một sự phát triển cân đối về mọi mặt, chúng mới có thể đạt được thành công lâu dài và bền vững trong cuộc sống.

Học tập là một quá trình dài và cần có sự cân bằng giữa kiến thức và phát triển toàn diện. Chính vì vậy, cần có những thay đổi trong cách nhìn nhận và tổ chức việc học thêm, không chỉ giúp học sinh đạt được kết quả học tập cao mà còn giúp các em phát triển tốt về mọi mặt, trở thành những con người có ích cho xã hội.

Hùng Thoa

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây