Đưa công nghệ 4.0 vào giảng dạy cho trẻ mầm non

Thứ hai - 25/11/2024 21:00
 

Cô giáo Giang Thị Thanh Nhàn trình bày sáng kiến ứng dụng công nghệ 4.0 vào giảng dạy cho trẻ mầm non.

Trong thời đại 4.0, việc chuyển đổi số trong giáo dục mầm non là rất cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục, giảm thiểu thời gian và chi phí đào tạo, mang lại nhiều lợi ích, tạo ra môi trường làm việc và học tập thuận tiện, sinh động. Với vai trò Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, nhà giáo Giang Thị Thanh Nhàn luôn băn khoăn làm thế nào để giúp giáo viên tạo ra những sản phẩm, bài giảng điện tử chất lượng, trong khi nhà trường còn nhiều khó khăn, hạn chế về tài chính, nhân lực...

“Lâu nay, nhà trường vẫn sử dụng một số phần mềm xây dựng bài giảng với tính năng khá hạn chế, yêu cầu máy tính cấu hình cao, không thuận tiện cho giáo viên sử dụng, hay một số phần mềm thiết kế trò chơi cài đặt phức tạp và tốn chi phí bản quyền, hạn chế về khả năng tương tác... Để khắc phục tình trạng này, tôi đã chủ động tham gia các lớp học bồi dưỡng nâng cao về công nghệ thông tin, tham gia các nhóm Hỗ trợ công nghệ thông tin và giảng dạy nhằm trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để chia sẻ và lan tỏa với đồng nghiệp trong trường, giúp mỗi cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường khai thác, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm dạy học hiệu quả” - cô Nhàn chia sẻ.

Trong quá trình học tập và nghiên cứu, cô Nhàn đã nhận ra những giá trị mà công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) mang lại. Hiện nay, AI đã và đang lan tỏa rất nhanh trong giáo dục, hỗ trợ thiết kế bài giảng, trò chơi học tập và tạo ra các tài liệu giảng dạy phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh. Việc ứng dụng AI giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, chi phí và nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Đến nay, giáo viên Trường mầm non Trần Phú đã có thể thiết kế những bài giảng, trò chơi tương tác và vẽ tranh minh họa một cách thuần thục, phù hợp với trẻ mầm non. Các cô còn trực tiếp sáng tác những bài hát phù hợp từng chủ đề, sự kiện để dạy trẻ. Từ những hình vẽ, sản phẩm của trẻ, các cô giáo tạo thành những nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh, đáng yêu. Đáng chú ý, với sự hỗ trợ của công nghệ AI, giáo viên có thể tạo ra sách, truyện điện tử trong chưa đến một giờ đồng hồ, từ thiết kế nội dung, các slide và video... Các loại sách, truyện điện tử thông minh, sinh động, có thể dễ dàng chia sẻ và hiển thị trên các thiết bị di động nhằm thuận tiện cho trẻ học tập. Với các tính năng tương tác và đa phương tiện, hình thức này giúp tăng cường trải nghiệm, tiết kiệm chi phí in ấn, tạo ra môi trường học tập công nghệ sáng tạo và hấp dẫn cho trẻ.

“Nhờ ứng dụng AI, tôi và tập thể giáo viên đã tạo ra 285 tranh minh họa, 115 truyện điện tử, 158 bài hát và 150 phiếu bài tập, cùng với nhiều hoạt động học tập ở các lĩnh vực khác. Những sản phẩm này không chỉ giúp trẻ học tập tốt hơn mà còn tiết kiệm thời gian và chi phí in ấn” - cô giáo Giang Thị Thanh Nhàn cho biết.

Đánh giá về nỗ lực của cô Giang Thị Thanh Nhàn cũng như các thầy, cô giáo được trao giải thưởng Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo năm 2024, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh, tấm gương của các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý các trường là những minh chứng cho sự tâm huyết, tận tụy với nghề, sự sáng tạo lớn lao trên cương vị công tác của mỗi nhà giáo Hà Nội hôm nay. Đó cũng là sự kết tinh của lòng yêu nghề, mến trẻ, yêu cuộc sống của mỗi người và quan trọng là tình yêu, sự tâm huyết đó đã thôi thúc mỗi thầy, cô năng động, sáng tạo, khắc phục những khó khăn, trở ngại để làm việc ngày càng sáng tạo hơn, hiệu quả hơn, khoa học hơn.

Bài và ảnh: Thế Hải

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây