Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025: Nhiều điểm mới

Thứ năm - 28/11/2024 22:50
 

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng (ngành giáo dục mầm non) áp dụng từ năm 2025 với nhiều điểm mới đáng chú ý.

Học sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2024 của Trường Đại học Thái Bình Dương.

Năm 2025 là năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, với 4 môn thi (2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12). Điều này kéo theo những thay đổi trong tuyển sinh đại học. PGS-TS Tô Văn Phương - Trưởng phòng Đào tạo đại học Trường Đại học Nha Trang cho rằng, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025 có nhiều thay đổi, điều chỉnh về mặt kỹ thuật, cũng như làm rõ nghĩa hơn một số nội dung so với quy chế cũ. Quy định xét tuyển bằng điểm học bạ cần phải xét đủ 2 học kỳ của lớp 12 là một rào cản kỹ thuật khá tốt và đảm bảo tính thống nhất, công bằng cho thí sinh. Đáng chú ý nhất là việc điều chỉnh tỷ lệ xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu, được xem là sẽ tác động lớn đến không chỉ các trường đại học mà cả giáo dục cấp THPT. Cụ thể, điều này sẽ giúp các trường đại học tính toán kỹ hơn về chất lượng nguồn tuyển, tiêu chí xét..., không thể gọi quá nhiều thí sinh trúng tuyển như trước. Ngược lại, có thể sẽ có tỷ lệ chọi cao hơn, các trường có thể tuyển được nhóm thí sinh chất lượng tốt hơn nhưng vẫn đảm bảo được chỉ tiêu tuyển sinh theo kế hoạch chung. Tuy vậy, điều này có thể tác động ngược lại đến công tác đánh giá ở cấp THPT, đó là tình trạng giáo viên ở các trường THPT tạo điều kiện cho học sinh của mình có điểm học tập “dễ chịu” hơn để tăng cạnh tranh trong xét tuyển sớm vào các trường.

Theo Tiến sĩ Bùi Văn Nguyên - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Khánh Hòa, dự thảo quy chế tuyển sinh đại học có nhiều điểm mới phù hợp với phương hướng tuyển sinh của nhà trường. Chẳng hạn như việc nâng ngưỡng đầu vào đối với một số ngành, trong đó có ngành đào tạo giáo viên; quy định đối với phương thức tuyển sinh dựa trên kết quả học tập, kết quả thi theo từng môn, tổ hợp môn dùng để xét tuyển phải bao gồm ít nhất 3 môn phù hợp với đặc điểm, yêu cầu của chương trình đào tạo, trong đó phải có môn Toán hoặc Ngữ văn với trọng số đánh giá chiếm ít nhất 1/3 tổng điểm... Còn việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành không ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của trường, vì 2 năm qua nhà trường không thực hiện xét tuyển sớm.

Học sinh tham gia chương trình tư vấn tuyển sinh năm 2024 tổ chức tại Trường Đại học Khánh Hòa.

Ủng hộ nhiều điểm mới trong dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, đặc biệt là việc quy đổi điểm chuẩn về một thang điểm chung với tất cả các phương thức xét tuyển, ông Nguyễn Thành Hưng - Trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông Trường Đại học Thái Bình Dương cho rằng, điều này giúp đảm bảo tính công bằng, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh trong việc so sánh và lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực. Việc yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch tuyển sinh khớp với kế hoạch năm học cũng là một điểm cộng, giúp việc tổ chức tuyển sinh khoa học và hiệu quả hơn. Tuy vậy, quy định siết chặt xét tuyển sớm cũng đặt ra những thách thức. Việc giới hạn chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành sẽ làm thay đổi đáng kể cách thức tuyển sinh mà các trường đang áp dụng. Đối với Trường Đại học Thái Bình Dương, quy định này sẽ gây khó khăn trong việc xây dựng lại các phương án và hoạt động tuyển sinh nhằm thu hút, lựa chọn người học phù hợp. “Bản chất xét tuyển sớm là để tạo cơ hội cho thí sinh được lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp, đảm bảo cơ hội tiếp cận bình đẳng cho mọi thí sinh. Mặt khác, phương thức này giúp thí sinh giảm áp lực thi cử, giúp các em tập trung hoàn thành chương trình phổ thông. Trường Đại học Thái Bình Dương đã áp dụng các phương thức xét tuyển sớm và kết quả các năm qua cho thấy, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sớm tăng đều mỗi năm lên đến 20%. Số thí sinh trúng tuyển chính thức bằng phương thức xét tuyển sớm lên đến hơn 70% trong năm 2024. Điều này chứng tỏ nhu cầu xét tuyển sớm trong thí sinh là rất lớn. Ở góc độ cơ sở giáo dục, nhà trường mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển sớm, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học tự chủ trong tuyển sinh, lựa chọn người học”, ông Hưng cho biết.

H.NGÂN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây