Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn làm rõ ý kiến của ĐB Quốc hội về việc in, lựa chọn sách giáo khoa

Thứ năm - 08/06/2023 10:50
 

Mới đây, tại phiên thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 ngày 1/6/2023 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Kim Thúy đã có ý kiến phát biểu về một số nội dung liên quan tới ngành giáo dục.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch điều hành phiên thảo luận yêu cầu làm rõ ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy, Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn đã có văn bản số 2706 trao đổi lại ý kiến của ĐBQH.

79% không phải là con số đã in

Trả lời ý kiến của Đại biểu: "Trong thư trả lời chất vấn mới đây của tôi, Bộ trưởng tái khẳng định ý kiến của đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng và chiều ngày 10/5/2023. Tính đến ngày 30/4/2023, tỷ lệ in sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 4,8,11 đạt 79%, trong khi đó trên thực tế ngày 5/5/2023 nhà xuất bản này mới có công văn mời thầu in sách giáo khoa lớp 4,8,11 để nhập các kho sách ở Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ và Đà Nẵng. Thời gian mở thầu là 9 giờ ngày 21/5/2023. Như vậy, có nghĩa là số lượng 79% sách giáo khoa mà Nhà xuất bản báo cáo với Phó Thủ tướng đã được in trước khi đấu thầu".

ĐBQH Đoàn Đà Nẵng Nguyễn Thị Kim Thúy.

Về nội dung này, Bộ GDĐT cho hay, ngày 10/5/2023, trong cuộc họp về vấn đề học phí và sách giáo khoa do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì với sự tham dự của Bộ GDĐT và các Bộ, ngành. Tại đây, tài liệu báo cáo của Bộ GDĐT đề cập tới kế hoạch in ấn và phát hành sách giáo khoa lớp 4,8,11. Để kịp tiến độ in và có sách trước khai giảng năm học 2023-2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam dự kiến kế hoạch in sách giáo khoa các lớp trên với số lượng tương ứng 79% kế hoạch in dự kiến để lựa chọn nhà cung cấp và dự kiến việc in sách giáo khoa sẽ hoàn tất trước ngày 30/6/2023.

"Như vậy, số lượng in 79% trong báo cáo của Bộ là số liệu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để lựa chọn nhà thầu, in so với dự kiến kế hoạch phát hành sách giáo khoa lớp 4,8,11 cho năm học 2023-2024. Đây không phải là con số đã in"- Công văn của Bộ GDĐT nêu.

Trong văn bản này, Bộ GDĐT cũng cho biết thêm, thông tin mà ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nêu tại Hội trường ngày 1/6/2023 không có trong văn bản chuẩn bị cho cuộc họp cũng như trong nội dung phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại cuộc họp.

Tại phiên họp ngày 1/6, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy cũng nêu vấn đề: "Tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, của nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc chọn sách giáo khoa mà báo chí thường phản ánh bắt nguồn từ Thông tư số 25 năm 2020 của Bộ hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa". Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu, khi xây dựng Thông tư số 25, Bộ GDĐT đã rất thận trọng thực hiện theo đúng quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, xin ý kiến rộng rãi nhân dân, các Sở GDĐT. Việc lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư số 25 được thực hiện cơ bản không có khó khăn, vướng mắc.

Trong 63 báo cáo của UBND tỉnh/TP báo cáo về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88 năm 2014, Quốc hội khóa XIII và Nghị quyết 51 năm 2017, Quốc hội khóa XIV về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông gửi về đoàn giám sát của Quốc hội chỉ có 5 địa phương là Bình Phước, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Phú Yên, Sơn La có kiến nghị, đề xuất liên quan tới lựa chọn sách giáo khoa. Các ý kiến tập trung vào đề xuất ban hành văn bản hướng dẫn chi trả kinh phí lựa chọn sách giáo khoa, tăng thời gian đọc bản mẫu sách giáo khoa trước khi họp Hội đồng.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ GDĐT đã có công văn gửi UBND các tỉnh chỉ đạo Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa thực hiện nghiêm túc quy định của Thông tư 25.

Ngoài ra, Bộ GDĐT cũng đã tổ chức 8 đoàn thanh tra về việc lựa chọn sách giáo khoa ở một số địa phương, Bộ GDĐT không nhận được phản ánh có sức ép từ cơ quan quản lý cấp trên trong việc lựa chọn sách giáo khoa; phiếu chọn sách giáo khoa của giáo viên tại tổ chuyên môn trùng với danh sách đề xuất lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục gửi về Sở GDĐT để tổng hợp trình Hội đồng lựa chọn, trùng với phiếu nhận xét sách giáo khoa của giáo viên.

"Qua thống kê báo cáo của các địa phương về kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các hội đồng cơ bản theo đề xuất của các nhà trường"- văn bản trả lời ý kiến ĐBQH nêu.

Văn bản cũng nhấn mạnh: "Việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 25, địa phương nào không thực hiện đúng quy định phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Theo phản ánh của ĐBQH, Bộ GDĐT đề nghị ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cung cấp thông tin, minh chứng trường hợp sai phạm cho Bộ GDĐT để xử lý theo quy định".

Đang thanh tra, kiểm tra, điều tra với hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Về sai sót trong một số cuốn sách giáo khoa và khả năng thiếu sách giáo khoa trong năm học sắp tới, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy chia sẻ với khó khăn của Bộ và ngành giáo dục, nhưng ĐB cho rằng, thái độ của Bộ và các nhà xuất bản trong việc tiếp thu ý kiến phê bình mới là điều khiến cử tri lo lắng. Hiện nay hầu hết các ý kiến phê bình, góp ý không được các nhà xuất bản và Bộ trả lời.

Trước ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trân trọng cảm ơn các ĐBQH, cử tri đã luôn quan tâm, có nhiều ý kiến góp ý, phản biên, đặt ra nhiều câu hỏi, vấn đề cần giải quyết của ngành giáo dục. "Với sự trân trọng và tinh thần cầu thị, Bộ đã có văn bản trả lời tất cả ý kiến của ĐBQH, cử tri gửi tới Bộ GDĐT, trong số đó có nhiều ý kiến về chương trình, sách giáo khoa phổ thông"-Bộ trưởng nêu.

Đối với các ý kiến của ĐBQH Nguyễn Kim Thúy, Bộ GDĐT đã trả lời đầy đủ các phiếu chất vấn gửi đến Bộ trưởng. Gần đây nhất, ngày 19/5, Bộ đã có công văn số 2291 trả lời ĐB về tiến độ cung cấp sách giáo khoa, việc lựa chọn sách giáo khoa của các địa phương và các vấn đề liên quan tới năm học mới.

Trước một vài hạn chế, thiếu sót trong sách giáo khoa được dư luận phản ánh, Bộ GDĐT luôn chỉ đạo các nhà xuất bản giải trình, tiếp thu các ý kiến xác đáng được phản ánh, tổ chức rà soát nội dung sách giáo khoa, báo cáo Bộ các nội dung cần chỉnh sửa, trình Hội đồng thẩm định sách giáo khoa xem xét… Khi tiếp nhận báo cáo của các Nhà xuất bản, Bộ GDĐT đã nghiêm túc yêu cầu Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa rà soát, kiểm tra và có kết luận cụ thể các nội dung được phản ánh. Bộ cũng tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung quy trình biên soạn, thẩm định để nâng cao chất lượng sách giáo khoa.

Liên quan tới ý kiến ĐB về bản thuyết minh báo cáo tài chính của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam- một trong những công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chưa đầy 2 năm, công ty đã chi gần 100 tỷ để phát triển thị trường và tập huấn. "Nếu chúng ta không kiên quyết phát hiện, xử lý những hiện tại chạy chọt, đi đêm trong việc này có ngày hối không kịp, giống như vụ Việt Á hoặc các vụ án hình sự về đấu thầu trang thiết bị trong chính ngành giáo dục"- ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy nêu tại phiên họp ngày 1.6.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay, Công ty Cổ phần Đầu tư Phương Nam có 43% vốn điều lệ do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam góp vốn. Đây là công ty cổ phần, hoạt động theo điều lệ của công ty và theo quy định của pháp luật. Hàng năm đều có kiểm toán độc lập, thanh tra thuế. Báo cáo về vai trò quản lý của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đối với Công ty cổ phần Phương Nam đã được Bộ trả lời ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thúy tại Công văn số 387 ngày 7/2/2023.

Theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, chi phí bán hàng của công ty gồm: Lương nhân viên, chi phí thuê kho tàng, văn phòng, khấu hao tài sản cố định… trong đó chi phí phát triển thị trường (liên quan đến thù lao báo cáo viên, chi phí tổ chức giới thiệu và tập huấn sách giáo khoa, chi phí tặng sách, phí phát hành khen thưởng sách tham khảo cho các đại lý, công ty sách…) năm 2020 là 29,7 tỷ đồng, năm 2021 là 24,2 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,9% và 3,5% so với doanh thu.

"Trong thời gian từ 2019-2022, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra trung ương, Ủy ban Kiểm tra của Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương đã tiến hành thanh tra, kiểm tra Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Hiện Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an cũng đang tiếp tục điều tra các hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Bộ đã và đang tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan chức năng để thanh tra, kiểm tra, điều tra theo đúng quy định với hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam"- Văn bản trả lời ĐBQH của Bộ GDĐT nêu./.

Thái Linh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây