Giải quyết bất cập trong tuyển sinh
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy chia sẻ: dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung quy chế tuyển sinh đại học nhằm khắc phục những bất cập trong công tác tuyển sinh hiện nay, gia tăng sự công bằng cho các thí sinh khi tham gia xét tuyển.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy: các điều chỉnh căn cứ thực tế công tác tuyển sinh những năm qua.
Dự thảo có nhiều điểm mới như: điều chỉnh quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với nhóm ngành sư phạm, sức khỏe; chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung; xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh...
Trả lời câu hỏi, vì sao khống chế tỷ lệ xét sớm là 20%, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết: con số này được cân nhắc từ thực tiễn công tác tuyển sinh những năm qua. Xét tuyển sớm tối đa 20% chỉ tiêu nhằm tập trung tuyển những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội, hạn chế tác động đến việc học tập của học sinh ở kỳ II năm lớp 12 và ôn thi tốt nghiệp THPT.
Điều quan trọng nhất khi đưa ra tỷ lệ này là tạo sự công bằng giữa các thí sinh khi tham gia vào ứng tuyển, không phải em nào cũng có khả năng tham gia xét tuyển sớm khi chưa hoàn thành chương trình lớp 12.
Trước ý kiến cho rằng, việc khống chế tỷ lệ xét tuyển sớm gây khó cho các trường, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định: việc giảm quy mô xét tuyển sớm không những không gây khó khăn mà còn tạo thuận lợi hơn cho công tác tuyển sinh của các trường và cho thí sinh.
“Có xét tuyển sớm hay chỉ xét tuyển trong đợt chung thì tổng số thí sinh đăng ký dự tuyển cũng không thay đổi. Đã đến lúc chúng ta cần nhìn lại trào lưu tuyển sinh sớm (mới phổ biến từ khoảng 5-6 năm trở lại đây) một cách khách quan, để có giải pháp căn cơ, giải quyết dứt điểm những bất cập phát sinh từ đó”, Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nói.
Bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh
Với quy định xét tuyển bằng học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh, đại diện Bộ GD&ĐT giải thích, đây là biện pháp bổ sung để tạo tác động tích cực tới việc dạy và học ở lớp 12; đồng thời tăng tính công bằng và hiệu quả của công tác tuyển sinh.
Khi đề thi tốt nghiệp THPT được đổi mới, khả năng đánh giá năng lực và tính phân loại được cải thiện, kết quả kỳ thi chắc chắn sẽ được sử dụng nhiều hơn.
Tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung.
Bộ GD&ĐT yêu cầu các điểm xét tuyển, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất đối với từng chương trình, ngành, nhóm ngành.
Những năm qua, hầu hết cơ sở đào tạo phân bổ chỉ tiêu riêng cho từng phương thức xét tuyển, thậm chí cho từng tổ hợp môn xét tuyển, từ đó áp dụng các tiêu chí xét tuyển để tính điểm xét của thí sinh và xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho tới hết chỉ tiêu của từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển. Điều này giúp các trường có thể sử dụng xét tuyển sớm để chủ động hoàn thành kế hoạch tuyển sinh.
Tuy nhiên, nó cũng dẫn tới xuất hiện những vấn đề như chênh lệch điểm trúng tuyển một cách bất hợp lý giữa các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển; đẩy điểm chuẩn của phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT lên rất cao do chỉ tiêu dành cho phương thức này không còn nhiều; gây mất công bằng về cơ hội cho những thí sinh không có điều kiện tiếp cận nhiều phương thức xét tuyển.
Dự thảo sửa đổi quy chế tuyển sinh quy định thống nhất áp dụng quy đổi tương đương điểm xét của các phương thức, tổ hợp môn xét tuyển về một thang điểm chung đối với mỗi chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạo, trên cơ sở đó xác định điểm trúng tuyển từ cao xuống thấp cho hết chỉ tiêu của chương trình, ngành, nhóm ngành đào tạ (trừ trường hợp xét tuyển thẳng, xét tuyển sớm các thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội).
Dự thảo cũng quy định cách thức quy đổi phải bảo đảm cơ hội cho mọi thí sinh có thể đạt mức điểm tối đa của thang điểm chung và không có thí sinh nào có điểm xét vượt mức điểm tối đa.
Cùng với đó, các cơ sở đào tạo phải nghiên cứu để quy định lại việc cộng điểm các chứng chỉ ngoại ngữ và các điểm cộng ưu tiên khác để đảm bảo công bằng cho các thí sinh. Tất cả thí sinh dự tuyển vào một ngành đào tạo sẽ được xét tuyển công bằng dựa trên một thang điểm chung và một điểm chuẩn trúng tuyển chung, cơ hội trúng tuyển của những thí sinh có năng lực thực sự và chất lượng đầu vào của các trường sẽ tăng lên.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh: với những thay đổi nêu trên, các trường vẫn có cơ hội xét tuyển sớm để chủ động cạnh tranh, tuyển được những thí sinh giỏi nhất, các em có năng lực tốt nhất cũng vẫn có cơ hội trúng tuyển sớm để chủ động quyết định lựa chọn con đường học tập phù hợp.
“Các điều chỉnh của quy chế theo hướng làm gia tăng tính công bằng của công tác tuyển sinh, tăng thêm sự yên tâm, tự tin của các thí sinh khi xét tuyển đại học bởi sự cạnh tranh là công bằng nhất có thể...”-Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy.
Nam Du
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn