Năm học 2023-2024, em Lưu Đức Thắng (lớp 7A, Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, phường An Bình) đạt giải nhì cuộc thi Olympic tiếng Anh trên internet (IOE). Thắng cũng đạt giải nhất vòng loại cuộc thi “Công dân toàn cầu” do Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Trung tâm Anh ngữ OKO tổ chức năm 2023.
Bên cạnh đó, em còn tham gia Câu lạc bộ Tiếng Anh, xây dựng bản tin tiếng Anh của trường; tập làm phóng viên “nhí”, tham gia cuộc thi Violympic và nhiều phong trào, cuộc thi do thị xã, ngành Giáo dục phát động. Kết thúc năm học 2023-2024, Thắng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.
Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Tú An) tổ chức hoạt động ngoại khóa môn Tiếng Anh tạo điều kiện cho học sinh giao lưu học tập. Ảnh: A.P
“Em sẽ cố gắng học tập, trau dồi kiến thức và tham gia các phong trào, hoạt động để bồi đắp kiến thức, nâng cao kỹ năng sống, giúp cho việc học đạt kết quả cao hơn nữa”-Thắng bày tỏ.
Cô Trương Đào Vũ Hà Vy-Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Viết Xuân-cho biết: Căn cứ khung chương trình giáo dục phổ thông của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các văn bản hướng dẫn, nhà trường giao quyền tự chủ trong xây dựng kế hoạch giáo dục các môn học cho giáo viên; đồng thời, chỉ đạo giáo viên hướng dẫn học sinh và cả phụ huynh học sinh sử dụng kho học liệu số của ngành; khuyến khích giáo viên xây dựng bài giảng điện tử, đóng góp vào kho học liệu số dùng chung.
Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý và giảng dạy cũng như công tác bồi dưỡng và tham gia kỳ thi học sinh giỏi các cấp luôn được nhà trường quan tâm.
“Năm học 2022-2023, toàn trường có 661 học sinh, trong đó, 206 học sinh giỏi cấp trường, 15 học sinh giỏi cấp thị xã và 8 học sinh giỏi cấp tỉnh. Đến năm học 2023-2024, toàn trường có 694 học sinh, trong đó, 225 học sinh giỏi cấp trường, 24 học sinh giỏi cấp thị xã, 11 học sinh giỏi cấp tỉnh”-cô Vy thông tin.
Còn cô Nguyễn Vũ Quỳnh Thơ-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Tú An) thì cho hay: Trường có 2 cơ sở: cơ sở 1 tại thôn Tú Thủy 2 và cơ sở 2 ở làng Nhoi. Với 20% học sinh là người dân tộc thiểu số, song song với đổi mới, sáng tạo phương pháp dạy học, nhà trường tăng cường dạy tiếng Việt giúp học sinh để nâng cao kỹ năng giao tiếp, khả năng ứng xử, tiếp thu bài học.
“2 năm nay, nhà trường đưa bài học STEM vào các môn học nhằm tạo hứng thú cho học sinh; khuyến khích các em tham gia cuộc thi Tài năng tiếng Anh, cuộc thi IOE. Đồng thời, nhà trường tích cực xây dựng môi trường, cảnh quan học tập thân thiện, an toàn.
Nhờ đó, chất lượng giáo dục học sinh ngày càng được nâng lên. Kết quả xếp loại cuối năm học, 100% học sinh đạt phẩm chất tốt; công tác duy trì sĩ số học sinh nhất là đối với học sinh dân tộc thiểu số đạt 100%; tỷ lệ học sinh 6 tuổi trên địa bàn vào lớp 1 đạt 104% (vượt so với kế hoạch); 100% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học”-cô Thơ thông tin.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Viết Xuân tham gia hoạt động học và trải nghiệm. Ảnh: Hà Vy
Trao đổi với P.V, bà Lê Thị Kiều Hạnh-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã An Khê-cho biết: Năm học 2023-2024, tỷ lệ huy động trẻ mầm non đạt 98%; học sinh 6-10 tuổi học tiểu học đạt 100%; tỷ lệ duy trì sĩ số học sinh tiểu học đạt 100%; học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS đạt 100%; duy trì 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.
“Thời gian tới, Phòng tiếp tục chỉ đạo triển khai các mô hình, phương pháp dạy và học hiệu quả. Tăng cường tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm cho học sinh.
Ngành Giáo dục tiếp tục bám sát văn bản chỉ đạo của các cấp về triển khai xây dựng văn hóa nhà trường, trường học hạnh phúc trong bối cảnh mới; dạy học phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tích cực triển khai công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, đẩy mạnh đổi mới phương pháp, kỹ thuật dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của địa phương”-bà Hạnh nhấn mạnh.
AN PHÁT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn