Rich kid bị chỉ trích vì câu hỏi: "Tìm việc thực sự khó đến vậy sao?". Ảnh: Weibo.
Nếu có một điều mà giới trẻ Trung Quốc ngày nay không muốn nói đùa, thì đó chính là tình trạng của thị trường việc làm, theo Sixth Tone.
Người có sức ảnh hưởng Yangmaoyue đã có được bài học này một cách khó khăn trong những ngày gần đây. Câu đùa dí dỏm của anh về tình trạng thất nghiệp của giới trẻ phản tác dụng một cách thảm hại, khiến anh mất hơn 1 triệu người theo dõi và phải nhận vô số lời lăng mạ trực tuyến.
Phẫn nộ
Yangmaoyue, tên thật là Yang Yue, đã trở thành nhân vật nổi tiếng trên Douyin, phiên bản TikTok của Trung Quốc, thu hút hơn 8 triệu người theo dõi với các video giới thiệu lối sống xa hoa của anh khi còn là sinh viên Đại học Bắc Kinh danh giá.
Tự tin và thẳng thắn, Yang chưa bao giờ ngại gây tranh cãi. Anh đã nhiều lần phải đối mặt với sự chỉ trích vì phô trương đặc quyền và sự giàu có của mình trong quá khứ.
Nhưng điều đó cũng không giúp ngôi sao trực tuyến chuẩn bị tốt để vượt qua sự cố lần này.
Trong một clip mới đây, Yang bắt đầu bằng câu hỏi với giọng điệu đùa cợt: "Tìm việc thực sự khó đến vậy sao?". Sau đó, anh chế giễu thế hệ sinh sau năm 2000 ở Trung Quốc, đặt câu hỏi về danh xưng "những chiến binh công lý xã hội không biết sợ hãi" của họ.
"Những người sinh sau năm 2000 không phải là những người dọn dẹp văn hóa nơi làm việc độc hại sao? Tại sao bạn thậm chí không thể tham gia lực lượng lao động?", người này nói đùa.
Yang mất 1 triệu người theo dõi vì câu đùa tai hại. Ảnh: Weibo.
Người Trung Quốc trẻ tuổi không cảm thấy vui vì trò đùa này. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cả nước được ghi nhận là 17,1% vào tháng 10. Nhiều người thuộc Gen Z thất nghiệp thấy trò đùa của Yang rằng họ không đủ cố gắng đủ để tìm việc là rất xúc phạm - đặc biệt là khi người có sức ảnh hưởng này chưa bao giờ phải tự mình nộp đơn xin việc.
Yang bắt đầu phát triển lượng người theo dõi trên mạng xã hội khi còn là sinh viên tại Đại học Bắc Kinh và trở thành người có sức ảnh hưởng toàn thời gian sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ vào năm 2021.
Làn sóng chỉ trích đối với Yang diễn ra nhanh chóng và dữ dội. Chỉ trong vài ngày, anh đã mất hơn 1 triệu người theo dõi trên Douyin. Những bình luận giận dữ về anh tràn ngập trên nền tảng Weibo, với một hashtag liên quan thu hút hơn 180 triệu lượt xem.
Nhiều người bình luận đã so sánh Yang với Tấn Huệ Đế, vị vua Trung Hoa vào thế kỷ thứ III, người nổi tiếng với câu hỏi: "Tại sao họ không ăn thịt?" khi nghe quan quân thông báo rằng người dân chết đói vì thiếu gạo.
Giống như Hoàng hậu Pháp Marie Antoinette, Tấn Huệ Đế đã trở thành biểu tượng ở Trung Quốc để chỉ một thành viên thiếu hiểu biết của tầng lớp tinh hoa đặc quyền, những người không hiểu được thực tế khó khăn mà người dân thường phải đối mặt.
Yang đã cố gắng xoa dịu sự phẫn nộ bằng cách xóa video gốc và đăng lời xin lỗi dài dòng trên tài khoản của mình vào cuối tuần. "Tôi xin lỗi vì đã bày tỏ quan điểm không phù hợp về một chủ đề nghiêm túc như vậy. Tôi thành thật xin lỗi vì đã làm tổn thương cảm xúc của mọi người và khiến mùa săn việc vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn".
Câu nói đùa tai hại
Nhưng lời xin lỗi không ngăn được thiệt hại. Cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục lan rộng trong tuần này, với ngày càng nhiều người trẻ lên mạng xã hội để chia sẻ những khó khăn mà họ đang phải đối mặt.
Zhao Yue, sinh viên tốt nghiệp ngành báo chí 24 tuổi, cho biết những bình luận của Yang hoàn toàn sai lệch. "Yang có thể đùa giỡn, nhưng phải có góc nhìn khách quan", cô nói. "Không nên quá xa rời thực tế".
Theo Zhao, những người trẻ tuổi vốn đã tự trách mình vì không tìm được việc làm. Nhiều người đã lớn lên trong một hệ thống giáo dục cực kỳ cạnh tranh, liên tục gây áp lực buộc họ phải nỗ lực để thành công.
"Chúng ta đã bị đầu độc bởi 'tâm lý học sinh giỏi' quá lâu rồi, liên tục đặt câu hỏi liệu chúng ta có đủ giỏi hay không. Nhưng tôi đã ngừng đổ lỗi cho bản thân vì những khiếm khuyết trong môi trường", Zhao nói.
Những người tìm việc chen chúc tại hội chợ việc làm ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Chính phủ Trung Quốc đã đưa mục tiêu giảm tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên lên thành ưu tiên cấp bách trong những tháng gần đây, vì tình trạng suy thoái kinh tế khiến nhiều nơi cắt giảm tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp.
Năm nay, ước tính có 12,2 triệu người đã tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc, tăng so với con số 8,2 triệu người vào năm 2018, thời điểm Yang hoàn thành chương trình cử nhân của mình.
Chính phủ Trung Quốc gần đây đã vạch ra một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy thị trường việc làm, bao gồm việc yêu cầu trường đại học loại bỏ những chương trình có "chất lượng việc làm thấp" và các công ty cung cấp nhiều chương trình đào tạo hơn cho nhân viên.
Lê Vy
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn