Tập thể dục khi mang thai giúp giảm một nửa nguy cơ mắc hen suyễn cho con

Thứ bảy - 07/12/2024 09:55
 

Vận động vừa phải có lợi cho cả bà mẹ và thai nhi. (Nguồn: Shutterstock)

Theo nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học Phần Lan, con của những phụ nữ tập thể dục ít nhất ba lần một tuần trong thời kỳ mang thai có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn thấp hơn một nửa so với con của những phụ nữ ít vận động.

Pirkka Kirjavainen, tác giả chính của nghiên cứu, đang làm việc tại Đại học Đông Phần Lan cho biết kết quả này lần đầu tiên chứng minh được việc các bà mẹ vận động có thể giúp bảo vệ con họ khỏi nguy cơ mắc hen suyễn.

Nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn ở trẻ em

Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, hen suyễn ảnh hưởng đến gần 25 triệu người ở nước này, bao gồm 4,7 triệu trẻ em dưới 18 tuổi.

Tình trạng phổi mãn tính gây viêm và co thắt đường thở có thể được chẩn đoán ở mọi lứa tuổi. Theo Tạp chí Học viện Bác sỹ Cấp cứu Mỹ, mỗi năm có hơn 700.000 lượt trẻ em đến phòng cấp cứu bị hen suyễn.

Mặc dù nguyên nhân chính xác gây ra hen suyễn vẫn chưa rõ ràng và không có cách chữa trị, nhưng bệnh này thường có tính di truyền trong gia đình. Trẻ em có mẹ hoặc cha bị hen suyễn có nguy cơ mắc bệnh cao gấp lần lượt 3 lần và 2,5 lần.

Tuy vậy, việc khởi phát bệnh hen suyễn hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như điều trị bằng kháng sinh trước khi sinh, ô nhiễm không khí, hút thuốc và thừa cân.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Sức khỏe Môi trường Quốc gia Mỹ phát hiện ra rằng những người sống ở khu phố ô nhiễm không khí nhất có tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn cao nhất.

Tập thể dục trong thai kỳ có thể bảo vệ trẻ như thế nào?

Nghiên cứu gần đây cho thấy các bà mẹ mang thai có thể kiểm soát ở mức độ nhất định việc con họ có bị hen suyễn hay không.

Trong khi phụ nữ từng được khuyên hạn chế tập thể dục trong thời kỳ mang thai để tránh nguy cơ chuyển dạ sớm hoặc sinh con nhẹ cân, thì hoạt động thể chất hiện được coi là có lợi cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

Việc tập thể dục nhẹ nhàng khi mang thai được chứng minh giúp giảm nguy cơ mắc hen suyễn ở trẻ nhỏ. (Nguồn: Shutterstock)

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), hoạt động thể chất vừa phải có thể giúp ngăn ngừa tình trạng tăng cân quá mức và tiểu đường thai kỳ, đồng thời hỗ trợ sức khỏe tim và phổi trong thời kỳ mang thai. Trung tâm này khuyến nghị phụ nữ mang thai khỏe mạnh nên tập thể dục cường độ vừa phải ít nhất 150 phút mỗi tuần, bao gồm đi bộ, đạp xe và yoga.

Tập thể dục cũng mang lại lợi ích cho thai nhi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động thể chất thường xuyên với lưu lượng máu tăng lên trong thời kỳ mang thai có thể giúp phổi, tim và sự phát triển nhận thức ở thai nhi tốt hơn.

Ngược lại, việc không hoạt động trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến kết quả sức khỏe kém hơn cho trẻ em. Một nghiên cứu năm 2022 của các nhà khoa học Na Uy và Thụy Điển cho thấy trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi của những phụ nữ không hoạt động trong nửa đầu thai kỳ có nguy cơ suy giảm chức năng phổi cao hơn những trẻ mà mẹ chúng vận động nhiều trong thời kỳ mang thai.

Nghiên cứu gần đây đã củng cố những phát hiện này bằng cách phân tích 963 cặp mẹ-con. Những người tham gia hoàn thành bảng câu hỏi để đánh giá mức độ hoạt động của người mẹ và kết quả sức khỏe của những đứa trẻ.

Các nhà khoa học phát hiện ra rằng những phụ nữ mang thai tập thể dục ít nhất ba lần một tuần sinh con ra có khả năng mắc bệnh hen suyễn thấp hơn 50% so với trẻ em có mẹ ít vận động hơn.

Với phát hiện này, giờ đây, các bác sỹ có thể dễ dàng đưa ra đề xuất với các bà mẹ mang thai, chẳng hạn như tập thể dục vừa phải ít nhất ba lần một tuần.

Với những phụ nữ có thể không đủ sức khỏe để tập thể dục 30 phút năm ngày một tuần trong thời kỳ mang thai, nhà nghiên cứu cho biết có nhiều bài tập mà phụ nữ mang thai có thể thực hiện, ngay cả khi đang ngồi.

Do đó, các bà mẹ mang thai tốt hơn nên vận động nhẹ nhàng hơn là không hoạt động gì cả trong thai kỳ./.

(Vietnam+)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây