Mọi người từ lâu đã tin rằng ăn tối nhẹ và sớm sẽ lành mạnh hơn. Giờ đây, một nghiên cứu của UOC và Đại học Columbia đã cung cấp bằng chứng khoa học để củng cố cho tuyên bố này. Được công bố trên ấn phẩm Nutrition & Diabetes của tạp chí Nature, nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ hơn 45% lượng calo hàng ngày sau 5 giờ chiều có liên quan đến lượng glucose tăng cao, có thể gây ra những tác động có hại cho sức khỏe bất kể cân nặng hay lượng mỡ trong cơ thể của một cá nhân.
Nghiên cứu được thực hiện tại Trung tâm Y tế Irving của Đại học Columbia ở New York. Người khởi xướng nghiên cứu là Tiến sĩ Diana Díaz Rizzolo và là thành viên của Khoa Khoa học Sức khỏe tại UO.
Díaz Rizzolo cho biết: “Duy trì mức glucose cao trong thời gian dài có thể gây ra những tác động bao gồm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn, nguy cơ tim mạch tăng do lượng glucose cao gây tổn thương mạch máu và tình trạng viêm mãn tính tăng lên, làm trầm trọng thêm tổn thương tim mạch và chuyển hóa”.
Trước đây, các chuyên gia tin rằng hậu quả chính của việc ăn tối muộn là tăng cân. Điều này có liên quan đến thực tế là mọi người có xu hướng lựa chọn chế độ ăn uống kém lành mạnh hơn vào ban đêm. Chẳng hạn như tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến, vì các hormone điều chỉnh cơn đói và cảm giác no sẽ bị thay đổi khi mọi người không ăn vào ban ngày.
Tầm quan trọng của nghiên cứu nằm ở chỗ nó cho thấy thời điểm ăn trong ngày có thể tự nó tác động tiêu cực đến quá trình chuyển hóa glucose, bất kể lượng calo tiêu thụ trong ngày và cân nặng cũng như lượng mỡ trong cơ thể của mỗi người.
Người ăn muộn chịu bất lợi gì so với người ăn sớm?
Nghiên cứu bao gồm 26 người tham gia trong độ tuổi từ 50 đến 70 bị thừa cân hoặc béo phì và bị tiền tiểu đường hoặc tiểu đường loại 2. Mức độ dung nạp glucose của những người tham gia đã được so sánh và họ được chia thành hai nhóm: những người ăn sớm tức là những người tiêu thụ hầu hết lượng calo hằng ngày của họ trước buổi tối và những người ăn muộn là những người tiêu thụ trên 45% lượng calo của họ sau 5 giờ chiều. Hai nhóm tiêu thụ cùng một lượng calo và cùng một loại thực phẩm trong ngày, nhưng vào những thời điểm khác nhau. Những người tham gia đã sử dụng một ứng dụng di động để ghi lại các bữa ăn của họ theo thời gian thực.
Phát hiện chính của nghiên cứu là những người ăn muộn có khả năng dung nạp glucose kém hơn, bất kể cân nặng hay thành phần chế độ ăn uống của họ. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng họ có xu hướng ăn nhiều carbohydrate và chất béo hơn vào buổi tối.
Díaz Rizzolo vốn là một chuyên gia về các vấn đề liên quan đến béo phì, tiểu đường và lão hóa, giải thích rằng "khả năng chuyển hóa glucose của cơ thể bị hạn chế vào ban đêm, vì quá trình tiết insulin bị giảm và độ nhạy cảm của các tế bào đối với hormone này giảm do nhịp sinh học, vốn được não của chúng ta được điều phối theo giờ ban ngày và ban đêm".
Tầm quan trọng của việc ăn đúng giờ
Do đó, nghiên cứu này có một phát hiện quan trọng về mặt ý nghĩa của nó đối với sức khỏe và thời điểm trong ngày mà mọi người ăn. Díaz Rizzolo cho biết: “Trước giờ, các quyết định cá nhân về dinh dưỡng đều dựa trên hai câu hỏi chính: chúng ta ăn bao nhiêu và nên chọn loại thực phẩm nào. Với nghiên cứu này, một yếu tố mới trong sức khỏe tim mạch và chuyển hóa của chúng ta đang bắt đầu trở nên ngày càng quan trọng: thời điểm ăn”.
Dù vẫn cần phải nghiên cứu thêm để hiểu rõ hơn về chủ đề này, Díaz Rizzolo mạnh dạn khuyên rằng chúng ta nên ăn chủ yếu vào ban ngày và “mức calo cao nhất trong ngày nên nạp vào bữa sáng và bữa trưa, thay vì ăn vào giờ uống trà và bữa tối”. Díaz Rizzolo cũng khuyến cáo nên tránh ăn các sản phẩm siêu chế biến, thức ăn nhanh và thực phẩm giàu carbohydrate, đặc biệt là vào ban đêm.
Anh Tú
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn