Trong lúc ra thăm vườn, anh L.M.T (31 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) bất ngờ bị ong đốt đốt nhiều mũi vào đầu, lưng, tay, chân. Bệnh nhân choáng váng, cố gắng đi vào nhà nhưng bị ngất ngoài vườn. Người nhà phát hiện đã đưa anh T. vào cấp cứu tại Bệnh viện Xuyên Á Vĩnh Long trong tình trạng hôn mê, da niêm tím tái, mạch không bắt được, huyết áp không đo được.
Sau thời gian điều trị, anh L.M.T (31 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) đã thoát khỏi tình trạng nguy kịch - Ảnh: BVCC
Bác sĩ Nguyễn Hoàng Duy - Khoa Hồi sức tích cực nhận định đây là một trường hợp ngưng tim, ngưng thở ngoại viện do sốc phản vệ sau ong đốt. Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngưng tuần hoàn - hô hấp tích cực, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, tiêm Adrenalin.
“Sau 5 phút cấp cứu, bệnh nhân có mạch và huyết áp trở lại. Sau đó bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực - chống độc tiếp tục sử dụng phác đồ sốc phản vệ. Sau 6 giờ điều trị tích cực, bệnh nhân tỉnh táo, mạch rõ, huyết áp ổn định dần. Đến 24 giờ sau đó, bệnh nhân trở về trạng thái bình thường, huyết áp ổn định, nói chuyện, đi đứng bình thường và được chuyển ra khoa ngoài”, bác sĩ Duy cho biết.
Theo bác sĩ Duy, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng. Phản ứng này có thể xảy ra trong vài giây, hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng như: thuốc, nọc độc, ong chích, kiến đốt,… hay là những thực phẩm hằng ngày không phù hợp với cơ thể một số người như: cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, khoai tây, đậu phộng, đậu nành…
Sốc phản vệ khiến hệ thống miễn dịch giải phóng một lượng lớn chất trung gian hóa học có thể gây sốc, huyết áp giảm đột ngột, bít hẹp đường thở, thậm chí ngưng tim và tử vong.
“Sốc phản vệ là bệnh lý rất nguy hiểm, có khả năng đe dọa tính mạng. Việc chẩn đoán và xử trí cần rất khẩn trương và kịp thời. Khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào sau khi tiếp xúc thức ăn, côn trùng, thuốc, vắc xin... cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào cơ sở y tế để kịp thời xử trí”, bác sĩ Duy khuyến cáo.
Hồ Quang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn