Những dấu hiệu bất thường về rốn của trẻ sơ sinh cha mẹ cần biết

Thứ ba - 26/11/2024 21:55
 

Rốn chảy máu

Sau rốn, nếu thấy 1 đến vài giọt máu và không kèm dấu hiệu bất thường nào khác, điều này là bình thường, bố mẹ tiếp tục chăm sóc và theo dõi cho con. Tuy nhiên, nếu thấy máu tiếp tục chảy, bố mẹ cần cho con đến khám tại cơ sở y tế.

Nếu thấy rốn ướt và không có kèm theo các biểu hiện như: mùi hôi, tấy đỏ, sưng, sốt và các biểu hiện khác của viêm, bố mẹ rửa rốn cho con hàng ngày bằng cồn 70 độ và tiếp tục theo dõi.

Thoát vị rốn

Thoát vị rốn là tình trạng khiếm khuyết một phần cơ thành bụng dẫn đến một phần quai ruột sẽ chui ra chỗ khuyết đó tạo nên một khối phồng. Khối phồng này sẽ to hơn khi trẻ khóc hoặc vặn mình và sẽ nhỏ lại khi trẻ nằm yên.

Thoát vị rốn gặp trong một số hội chứng và bệnh lý: HC Beckwith-Wiedemann, Down, MPS, suy giáp. Trẻ em ít gặp thoát vị rốn nghẹt. Hầu hết thoát vị rốn đóng tự nhiên.

Phẫu thuật đặt ra khi thoát vị rốn nghẹt (Đoạn ruột nằm trong khối thoát vị bị giữ lại và không đẩy được vào trong ổ bụng gây xoắn, nghẽn mạch) hoặc khối thoát vị không giảm kích thước trong 2 năm đầu.

Viêm rốn ở trẻ có thể bắt đầu sau 2 đến 3 ngày sau sinh

Viêm rốn

Viêm rốn có thể bắt đầu sau 2 đến 3 ngày sau sinh với các triệu chứng:

Chảy máu từ cuống rốn
Tiết dịch bất thường từ cuống rốn
Có mùi hôi ở rốn
Đỏ vùng quanh rốn và chân rốn, chai cứng
Sốt
Bỏ bú, lừ đừ

U hạt rốn

U hạt rốn là một bất thường lành tính, thường gặp ở trẻ sơ sinh. U hạt rốn có màu đỏ, bề ngoài mềm và không có đường rò. U hạt ở rốn thường có cuống và có thể tiết ra một lượng nhỏ dịch huyết thanh.

Polyp rốn

Polyp rốn là khối cứng chắc, màu đỏ, chúng có xu hướng lớn hơn u hạt và có thể cần phải phẫu thuật.

Nang niệu rốn

Nang niệu rốn là ống phôi kéo dài từ bàng quang đến rốn và thỉnh thoảng rò rỉ nước tiểu.

Ống rốn mạc treo tràng

Ống rốn mạc treo tràng là phần thông còn sót lại giữa hồi tràng và rốn. Biểu hiện dạng có thể có dịch mật hoặc phân chảy ra từ rốn.

Cách chăm sóc rốn ở trẻ sơ sinh

*Nên:

Rửa tay sạch bằng nước và xà phòng, sát trùng lại bằng cồn 70 độ. Nhẹ nhàng tháo băng rốn và gạc rốn.
Quan sát mặt cắt rốn và vùng quanh rốn xem có bị viêm đỏ, có mủ, có dịch vàng hay có chảy máu không. Chú ý xem rốn có mùi hôi không ?
Lau rốn sạch bằng gòn và nước muối nước sinh lý (Natri clorid 0.9%), sau đó thấm khô vùng cuống rốn và chân rốn.
Sát trùng vùng da quanh rốn bằng cồn 70 độ.
Có thể để hở rốn hoặc chỉ cần che rốn bằng một lớp gạc mỏng vô trùng.
Quấn tã vùng dưới rốn, tránh để phân, nước tiểu hay bất kỳ chất gì vấy bẩn lên vùng rốn.

*Không nên:

Băng rốn quá chật, quá kín. Nhiều người thường nghĩ rằng, băng kín rốn giúp bảo vệ rốn nhưng việc băng rốn quá kín sẽ tạo môi trường tốt cho vi trùng phát triển, làm rốn bị tấy đỏ, chảy mủ…
Tự ý bôi thuốc đỏ, các chất lạ, đắp lá, rắc hạt tiêu v.v.. lên cuống rốn bé với hy vọng sẽ giữ vệ sinh cho rốn và làm rốn mau lành.
Tự ý giật hoặc cắt bỏ cuống rốn của bé khi rốn gần rụng, hay còn dính một phần nhỏ của cuống rốn.
Tuyệt đối không rắc kháng sinh hoặc bất kỳ một chất gì lên rốn khi không có chỉ định bác sĩ.

BS Hương Giang

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây