Cảnh giác đồ ăn, thức uống không rõ nguồn gốc
Mới đây, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) Hà Nội nhận được thông tin sự cố ATTP của một số học sinh Trường THCS Bình Minh, thôn Sinh Quả, xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Chi cục ATVSTP Hà Nội cho biết, chiều 30/9, tại cổng Trường THCS Bình Minh có nhóm người lạ phát miễn phí sản phẩm trà mật ong Boncha vị ô long đào cho học sinh, trong đó có 263 học sinh uống sản phẩmtrà mật ong Boncha vị ô long đào.
Sau uống, học sinh đầu tiên N.H.H. (lớp 6A, 12 tuổi) có triệu chứng đau bụng vùng rốn, buồn nôn, nhà trường đưa đến Trạm Y tế xã và Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai. Cùng ngày, bệnh viện tiếp nhận 12 bệnh nhân có cùng triệu chứng; đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn đến từ Trường THCS Bình Minh. Các bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi ngộ độc thực phẩm. Đến nay, 13 học sinh sức khỏe ổn định.
Học sinh điều trị tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thanh Oai, Hà Nội. Ảnh: Fanpage bệnh viện.
Qua điều tra cho thấy, các sản phẩm học sinh đã sử dụng là trà mật ong Boncha vị ô long đào và nước C2 hương ổi hồng chanh dây cùng thể tích 450ml.
Cơ quan chức năng thu nhận được 234 chai trà mật ong Boncha vị ô long đào, 2 chai nước C2 hương ổi hồng chanh dây, trong đó đã sử dụng 98 chai; còn lại 136 chai chưa sử dụng. Đoàn kiểm tra liên ngành của huyện đã niêm phong và bàn giao cho Công an huyện Thanh Oai.
Đoàn điều tra lấy 2 mẫu sản phẩm nêu trên gửi kiểm nghiệm tại Viện kiểm nghiệm ATVSTP Quốc gia chưa có kết quả kiểm nghiệm.
Trước tình hình trên, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương phối hợp cơ quản chức năng điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp thực phẩm; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân.
Dù đã được chuyên gia y tế cảnh báo nguy cơ ngộ độc khi học sinh dùng đồ ăn không rõ nguồn gốc của người lạ quanh cổng trường học. Thế nhưng, tại Hà Nội cũng đã từng xảy ra những sự việc tương tự.
Trước đó, tại Trường THCS Nguyễn Quý Đức (Nam Từ Liêm, Hà Nội), 11 học sinh trên đường đi đến trường mua kẹo (không rõ nguồn gốc, vỏ bao kẹo màu xanh, chữ nước ngoài) và cùng chia nhau ăn. 45 phút sau, các em mệt, đau đầu, buồn nôn.
Tại các địa phương khác, đã từng xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do sử dụng thức ăn ngoài cổng trường học. Ngoài ra, hiện nay, nhiều loại đồ ăn vặt, nước ngọt không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bán tràn lan ở nhiều cổng trường. Đây là vấn đề khó kiểm soát tại Hà Nội cũng như trên cả nước hiện nay.
Hà Nội siết chặt công tác bảo đảm ATTP quanh cổng trường học
Theo quan sát của phóng viên, đa số xung quanh các trường học trên địa bàn Hà Nội, hàng quán ăn vặt, sạp hàng lưu động “mọc lên như nấm” với nhiều loại thực phẩm lạ, không rõ nguồn gốc nhằm phục vụ nhu cầu học sinh. Đặc điểm chung của những mặt hàng thực phẩm này là được chế biến ngay tại khu vực lề đường, khói bụi mất vệ sinh... Thế nhưng, những món ăn này vẫn hấp dẫn học sinh, trở thành mối nguy hại cho sức khỏe các em...
Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, từ nay đến cuối năm, công tác quản lý ATTP tiếp tục được tăng cường, trong đó, TP tập trung triển khai chuyên đề “Tăng cường kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” đối với các cơ sở giáo dục.
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 về an toàn vệ sinh thực phẩm của Hà Nội kiểm tra bếp ăn tại một trường học trên địa bàn TP.
Hà Nội sẽ rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học trên địa bàn quản lý. Đồng thời, cơ quan chức năng điều tra, rà soát, cập nhật thường xuyên, liên tục các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, kinh doanh tạp hóa có bán thực phẩm bao gói sẵn, thực phẩm chế biến ăn ngay theo từng ngành hàng, mặt hàng thực phẩm xung quanh cổng trường học.
Bên cạnh đó, TP triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm soát ATTP trong và xung quanh cổng trường có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, thức ăn đồ uống ăn ngay, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được thực hiện nghiêm túc thường xuyên, liên tục; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm ATTP, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Theo TS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn có thể gây ra các triệu chứng cấp tính, như: Đau bụng, tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm...
Đặc biệt, nếu ăn trong thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình chuyển hóa trong cơ thể và dễ mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường, béo phì. Việc sử dụng các chất hóa học, thuốc trừ sâu, chất tăng trọng còn tồn dư trong các loại thực phẩm sẽ ngấm vào cơ thể, tích tụ lại gây ung thư.
Nhiều chủ cửa hàng không chứng minh được nguồn gốc của các loại kẹo bán tràn lan ở cổng trường. Trẻ em phần lớn a dua theo bạn bè, phần bị thực phẩm bắt mắt cuốn hút, vị chua cay hấp dẫn, phần vì giá siêu rẻ nên dù được gia đình, nhà trường cảnh báo vẫn vô tư ăn uống mà không để ý hậu quả khôn lường.
Để bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ ngộ độc thực phẩm trước cổng trường, bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ LĐTB&XH khuyến cáo, quan trọng nhất vẫn là giáo dục từ gia đình, các con được ăn uống tại nhà và được dặn dò không ăn quà vặt.
Phụ huynh luôn nêu cao cảnh giác, hỗ trợ kiến thức và hướng dẫn con em phòng tránh nguy cơ này, phân biệt được đâu là thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch, đâu là địa chỉ uy tín hay nơi nào không bảo đảm ATTP. Phía nhà trường cũng khuyến cáo phụ huynh, với những thức ăn đường phố không có chứng nhận, cam kết về ATTP không nên sử dụng.
Sở GD&ĐT Hà Nội đề nghị các đơn vị tăng cường quán triệt các nhà trường tuyên truyền học sinh không sử dụng các sản phẩm phát, tặng không rõ nguồn gốc. Nhà trường, phụ huynh giáo dục con em không ăn quà vặt ngoài cổng trường và tuyệt đối không nhận đồ ăn, đồ uống từ người lạ.
Thanh Bình
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn