Mới đây, Bộ Y tế đề xuất đưa tiêm ngừa sốt xuất huyết (SXH) vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng sau thời gian thử nghiệm tại cộng đồng. Việc đưa vắc-xin phòng chống SXH vào tiêm chủng đại trà được thực hiện theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.
Cân nhắc đối tượng được tiêm
Theo Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, hiện Việt Nam lưu hành cả 4 type virus Dengue nhưng type virus lưu hành chủ yếu là DENV-1, DENV-2. Trong năm 2023, type DENV-2 chiếm 88%; năm 2024 type DENV-2 chiếm khoảng 70%.
Đại diện Bộ Y tế cho biết dự kiến năm 2025, bộ sẽ phối hợp các đơn vị tổ chức đánh giá nghiên cứu những yếu tố về miễn dịch, tính an toàn, hiệu quả của vắc-xin SXH. Thời gian thử nghiệm trong cộng đồng khoảng 2 năm. Nếu phù hợp, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin này. Đối tượng tiêm sẽ được cân nhắc, tính toán. Trên thế giới, vắc-xin phòng chống SXH đã được nghiên cứu và phát triển để ngăn ngừa bệnh này. Hiện đã có vắc-xin Qdenga phòng bệnh SXH, thuộc danh mục vắc-xin được cấp phép lưu hành theo Quyết định 308 ngày 14-5-2024 của Cục Quản lý dược - Bộ Y tế. Vắc-xin này đang được tiêm dịch vụ tại Việt Nam.
Một chuyên gia dịch tễ cho biết bệnh SXH dù có số ca mắc cao nhưng không nguy hiểm và để lại di chứng như nhiều bệnh lý khác nên nếu người dân có điều kiện thì việc tiêm vắc-xin dịch vụ cũng là một lựa chọn. Tuy nhiên, đến nay, vắc-xin này mới chỉ có đánh giá miễn dịch có tác dụng trong khoảng 60 tháng. Do đó, nếu đưa vào chương trình tiêm chủng miễn phí cần có đánh giá kỹ lưỡng về hiệu quả kinh tế và tác dụng phòng bệnh. "Chi phí cho 3 mũi vắc-xin khoảng 1 triệu đồng, trong khi đối tượng mắc bệnh SXH khá rộng - từ trẻ nhỏ đến người già. Nếu tính chi phí tiêm cho 100 triệu dân sẽ là số tiền không nhỏ. Do đó, cần có thời gian dài hơn để nghiên cứu, đánh giá tính an toàn và hiệu quả miễn dịch" - chuyên gia này phân tích.
Ứng phó toàn cầu
Theo các chuyên gia dịch tễ, dự báo tình hình mưa nhiều, ngập lụt kéo dài cuối năm là điều kiện cho muỗi truyền bệnh phát triển, nguy cơ bùng phát dịch.
Bác sĩ chuyên khoa I Bạch Thị Chính, Giám đốc y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC, lưu ý người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời khi sốt liên tục từ 2 ngày trở lên. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc hạ sốt, truyền dịch vì có thể làm bệnh trầm trọng hơn. Ví dụ sử dụng thuốc hạ sốt như Aspirin có thể gây xuất huyết tiêu hóa, truyền dịch có thể gây quá tải dịch, phù phổi cấp, suy tim cấp, rối loạn điện giải, nhiễm trùng hoặc phản ứng dị ứng liên quan đến truyền dịch.
"Để phòng bệnh SXH, người dân cần tăng cường diệt muỗi, phòng muỗi đốt bằng cách ngủ mùng, sử dụng thuốc chống muỗi, phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa, lật úp các dụng cụ chứa nước, không cho lăng quăng sinh sôi và tiêm ngừa vắc-xin" - BS Chính khuyến cáo.
Trong cùng diễn biến, Tổ chức Y tế thế giới cũng vừa khởi động kế hoạch chuẩn bị, sẵn sàng và ứng phó chiến lược toàn cầu (SPRP) để giải quyết bệnh SXH và các loại Arbovirus khác do muỗi Aedes truyền. Kế hoạch nêu rõ các hành động ưu tiên để kiểm soát sự lây truyền và đưa ra các khuyến nghị cho các quốc gia bị ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm giám sát dịch bệnh, hoạt động xét nghiệm, kiểm soát véc-tơ, gắn kết cộng đồng, quản lý lâm sàng, nghiên cứu và phát triển, thông qua cách tiếp cận toàn xã hội và khu vực. SXH lưu hành ở các vùng khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, đặc biệt là ở Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương, châu Mỹ và cũng đáng lo ngại ở châu Phi...
"Vũ khí" mới phòng dịch
Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thanh Hùng, Trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết hiện khoa đang điều trị 6 bệnh nhân mắc SXH. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tiếp nhận một số ca mắc SXH, trong đó có ca rất nặng - sốc SXH do nhập viện muộn. Phần lớn là do tự điều trị tại nhà trong vài ngày đầu, không chú ý các dấu hiệu chuyển nặng. Thậm chí, có trường hợp tự đến một số phòng khám tư truyền dịch. Chỉ đến khi xuất hiện các triệu chứng như hạ đường huyết, sốt cao không giảm, mệt mỏi nhiều, chán ăn... mới đến bệnh viện cấp cứu.
Theo ThS-BS Nguyễn Đình Qui, Trưởng Khoa Nhiễm - Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP HCM), mặc dù SXH có thể gây tổn thương cơ quan nhưng nếu phát hiện sớm và xử lý kịp thời thì hầu hết các trường hợp sẽ không để lại di chứng. Các dấu hiệu cảnh báo quan trọng của SXH bao gồm: Nôn ói nhiều (3 lần trở lên trong 1 giờ), trẻ lừ đừ, không chịu chơi, đau bụng, có dấu hiệu xuất huyết như nôn ra máu, đi cầu phân đen. Phụ huynh cần xử trí ngay khi có các dấu hiệu này để tránh tình trạng sốc, vì khi bệnh nhân đã vào tình trạng sốc thì việc điều trị sẽ rất khó khăn và tổn thương các cơ quan rất nặng.
Các bác sĩ khuyến cáo SXH có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Sốt, nguy hiểm và hồi phục. Phát hiện sớm bệnh và hiểu rõ những vấn đề lâm sàng trong từng giai đoạn sẽ giúp bác sĩ điều trị đúng và kịp thời, không để lại di chứng và không ảnh hưởng tính mạng. Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý điều trị tại nhà. Vì vậy, việc phủ vắc-xin SXH sẽ góp phần rất lớn vào việc giảm tải cho các bệnh viện cũng như bảo đảm an toàn sức khỏe cho người dân, nhất là trẻ em.
Theo bà Vũ Thị Thu Hà, Giám đốc cung ứng Hệ thống tiêm chủng VNVC, là đối tác chiến lược toàn diện với Takeda, VNVC đã triển khai đặt hàng từ rất sớm và nỗ lực cùng nhà sản xuất để đưa về Việt Nam số lượng lớn vắc-xin SXH, kịp thời bảo vệ trẻ em, người lớn, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật lớn do SXH gây ra mỗi năm. Thời điểm triển khai tiêm vắc-xin SXH càng ý nghĩa hơn khi nhiều dịch bệnh, đặc biệt là SXH, đang diễn biến phức tạp, gia tăng số ca mắc khi mưa bão, lũ lụt xảy ra liên tiếp.
Theo đại diện Bộ Y tế, vắc-xin phòng chống SXH dù được đánh giá là "vũ khí" mới trong công tác phòng chống bệnh nhằm làm giảm số mắc và hạn chế các trường hợp bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong. Tuy vậy, để phòng chống SXH hiệu quả, triệt để, lâu dài cần phải lồng ghép, phối hợp triển khai đồng bộ với các giải pháp như: Giám sát dịch, phòng chống véc-tơ chủ động (diệt muỗi, diệt lăng quăng), xử lý ổ dịch sớm và triệt để, truyền thông phòng chống dịch…
Type DENV-2 thường liên quan các trường hợp mắc SXH nghiêm trọng và gây dịch cũng như là nguyên nhân lớn dẫn đến các ca tử vong.
80.000 ca mắc SXH
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, tích lũy đến đầu tháng 10 cả nước ghi nhận khoảng 80.000 trường hợp mắc SXH, 12 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc giảm 15,5%, số ca tử vong giảm 14 trường hợp.
Cần phân biệt rõ bệnh
Theo BS Nguyễn Đình Qui, một điều quan trọng cần lưu ý là sự khác biệt giữa siêu vi và SXH. Trẻ bị siêu vi sau khi hết sốt sẽ khỏe hơn, thèm ăn và chơi nhiều hơn. Trong khi đó, trẻ bị SXH dù hết sốt vào ngày thứ 2-3 vẫn cảm thấy mệt mỏi, không thèm ăn, không chịu chơi. Một dấu hiệu khác là chảy máu mũi, chảy máu chân răng. "Với sốt siêu vi, trẻ sẽ sốt cao liên tục từ 2-3 ngày. Giữa các cữ sốt, trẻ sẽ chơi và sau khi hết hẳn sốt, trẻ sẽ sinh hoạt, ăn uống bình thường. Đối với SXH, trẻ sẽ sốt từ 3-4 ngày, uống thuốc hạ sốt không giảm. Nhưng khi hết sốt, trẻ sẽ mệt hơn, ăn uống kém, có thể có đau bụng, nôn ói, xuất huyết dưới da" - BS Qui nhấn mạnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn