Hỏng thận khi chưa đến tuổi đôi mươi

Thứ tư - 02/10/2024 07:00
 

Ngày càng xuất hiện nhiều gương mặt trẻ trong phòng chạy thận nhân tạo. Ảnh: Duy Hiệu.

Thi Văn Nhựt (28 tuổi, sống TP Thủ Đức) mệt nhoài ngả lưng lên giường bệnh sau khi đã hoàn thành các công đoạn đo huyết áp, nhịp tim. Khi thì chợt mắt, chìm vào giấc ngủ ngắn, lúc lại đăm đăm lên trần nhà, nhìn thời gian trôi.

Trên cánh tay anh, hai ống dẫn vẫn cật lực làm nhiệm vụ đưa máu lẫn tạp chất đến máy lọc, sau đó trả máu sạch về cơ thể. Văng vẳng bên tai là âm thanh rè rè phát ra từ chiếc máy lọc máu.

12 năm qua, anh Nhựt chẳng thể nhớ nổi đã trải qua bao nhiêu buổi sáng như thế.

Hơn một thập kỷ chạy thận

Anh Nhựt là một trong những bệnh nhân trẻ nhất ở phòng lọc máu 1, Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Căn bệnh suy thận mạn khiến anh trông yếu ớt, gầy rộc hơn hẳn so với độ tuổi 28.

Nằm trên giường chạy thận, anh Nhựt cố rướn người về trước, để chất giọng thều thào trở nên to rõ hơn suốt buổi trò chuyện với Tri Thức - Znews.

“Tôi mắc lupus ban đỏ sau đó biến chứng thành suy thận, đến nay đã 12 năm”, anh Nhựt giọng run run bắt đầu câu chuyện.

Được học đến nơi đến chốn, anh Nhựt là niềm tự hào của cả gia đình vốn có gốc làm nông. 15 tuổi, anh mắc bệnh lupus ban đỏ. Nghĩ đơn thuần “có bệnh thì chữa”, chẳng ai ngờ rằng, căn bệnh ấy lại rẽ cuộc đời anh sang một hướng mới.

Chưa đầy một năm sau, cơ thể anh Nhựt lại gửi đến những “tín hiệu lạ”. Tay chân bắt đầu phù nề, tiểu tiện khó khăn. Tình hình ngày một tệ hơn, cả gia đình lo lắng đưa ngay đứa con trai đến bệnh viện để tìm câu trả lời. Kết luận suy thận mạn của bác sĩ như một cú giáng mạnh vào chàng trai 16 tuổi lúc ấy.

“Ngoài buồn ra thì chẳng biết làm gì hơn”, người đàn ông 28 tuổi nhớ lại khoảnh khắc nhận tin dữ.

Cánh tay gồ ghề của bệnh nhân suy thận lọc máu lâu năm. Ảnh: Việt Linh.

Với số tiền có thể đến hơn một tỷ đồng cho ca ghép thận cùng với thu nhập ít ỏi từ nghề nông của gia đình, anh Nhựt đành chọn cách “sống chung với lũ”.

3 buổi mỗi tuần, chàng thanh niên trẻ được anh trai đưa đến viện để lọc máu. Khi máy lọc máu báo hết lượt cũng là lúc người anh trai có mặt trước cổng bệnh viện, sẵn sàng đón anh về nhà.

Ở độ tuổi mà bạn bè xung quanh đang phát triển theo một quỹ đạo thường thấy: làm việc - khám phá thế giới - lập gia đình, cuộc sống anh Nhựt vo tròn trong những ngày tháng chạy thận lặp đi lặp lại.

“Suy thận cộng với bị tim nên tôi rất yếu, chỉ ở nhà thôi chứ gần như không làm gì. Đi đứng cũng rất khó khăn”, anh tâm sự.

Lọc máu cùng phòng với anh Nhựt ở Bệnh viện Lê Văn Thịnh là Trương Hoàng Vũ (23 tuổi, TP Thủ Đức), cũng là một trong những gương mặt trẻ nhất ở phòng chạy thận.

Lớn lên với tuổi thơ vất vả theo gia đình làm công trình, Vũ đã chủ động phụ giúp ba mẹ những công việc khuân vác đất cát, xi măng, quét vôi, trộn vữa... Năm 19 tuổi, sức khỏe Vũ giảm sút, hay chóng mặt, giấc ngủ chập chờn bởi những cơn tiểu đêm.

Đến khi đi khám, Vũ đã mắc suy thận giai đoạn cuối. Chàng trai trẻ buộc phải phụ thuộc vào phương pháp lọc máu định kỳ để duy trì sự sống cho đến hết phần đời còn lại, hoặc một cơ may khác là ghép thận.

Một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh thận

Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Minh Trang, khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết bệnh lupus ban đỏ hệ thống có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trên cơ thể, trong đó, thận cũng không ngoại lệ.

Theo bác sĩ Trang, lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý tự miễn. Ở những người mắc bệnh tự miễn, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công ngược lại các mô và cơ quan khỏe mạnh, trong đó có cả thận thay vì chống lại các tác nhân bên ngoài để bảo vệ cơ thể như ở người bình thường.

“Bệnh viêm thận lupus hoạt động như những đợt sóng. Thông thường, bệnh gần như không có biểu hiện hoặc chỉ xuất hiện một số biểu hiện âm thầm. Tuy nhiên, vào những đợt bùng phát, bệnh sẽ tấn công vào một cơ quan bất kỳ”, bác sĩ Trang cho biết.

Biểu hiện của viêm thận lupus đa dạng, khác nhau tùy từng trường hợp. Vào đợt cấp, bệnh sẽ xuất hiện một số biểu hiện rầm rộ như phù mặt, sụp mi mắt mỗi sớm thức dậy, phù chân, mang giày thấy chật, bụng to hơn… Các triệu chứng này có thể diễn tiến nhanh, từ vài tuần đến một tháng.

Khi bệnh suy thận diễn tiến đến giai đoạn cuối, người bệnh buộc phải lọc máu định kỳ để duy trì sự sống. Ảnh: Việt Linh.

Trong một số trường hợp khác, người bệnh đã có tổn thương thận nhưng gần như không có triệu chứng. Một vài trường hợp sẽ có biểu hiện ở các cơ quan bên ngoài như nổi ban cánh bướm ở vùng mặt, rụng tóc, viêm khớp, loét miệng thường xuyên và lâu lành.

Bác sĩ Trang nhấn mạnh lupus ban đỏ là một trong 10 nguyên nhân gây ra bệnh thận nhiều nhất, cũng là một trong 10 nhóm bệnh cần tầm soát bệnh lý về thận mỗi năm. So với suy thận thông thường, quá trình điều trị bệnh suy thận lupus sẽ ồ ạt, phức tạp và tốn kém hơn rất nhiều.

Bác sĩ Trang khuyến cáo người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ mỗi năm một lần. Thông qua các xét nghiệm máu đo mức lọc cầu thận, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng và người dân có thể phát hiện các dấu hiệu sớm của bệnh thận, từ đó có hướng điều trị thích hợp.

Bên cạnh đó, các trường hợp có người thân mắc bệnh lupus hoặc các bệnh lý liên quan đến nguyên nhân tự miễn thì việc kiểm tra sức khỏe định kỳ rất quan trọng. Theo bác sĩ Trang, đây là nhóm rất có khả năng mắc các bệnh lý về thận.

Kỳ Duyên

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây