Đau thắt ngực là gì? Nhận biết nguyên nhân và điều trị

Thứ ba - 29/11/2022 06:55
 

1. Cơn đau thắt ngực là gì?

Nội dung

1. Cơn đau thắt ngực là gì?
2. Triệu chứng thường gặp của cơn đau thắt ngực
3. Nguyên nhân gây đau thắt ngực
4. Các yếu tố nguy cơ gây đau thắt ngực
5. Chẩn đoán bệnh thế nào?
6. Điều trị đau thắt ngực
7. Biện pháp ngăn ngừa cơn đau thắt ngực

Cơn đau thắt ngực là tình trạng đau ngực hoặc cảm giác nặng ngực do bệnh lý tim mạch vành. Nguyên nhân là do cơ tim không nhận được đủ máu nuôi mà nó cần và thường xảy ra do một hoặc nhiều động mạch vành nuôi tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn.

Cơn đau thắt ngực tương đối phổ biến tuy nhiên rất khó phân biệt với các cơn đau ngực khác: đau ngực do tình trạng khó tiêu hoặc do bệnh dạ dày - tá tràng…

2. Triệu chứng thường gặp của cơn đau thắt ngực

- Có cảm giác đau như bị đè nén, nặng ngực ngay dưới xương ức. Cơn đau có thể lan ra tay trái, bả vai, cổ, hàm hoặc lan ra sau lưng.

- Người bệnh cảm giác mệt mỏi, yếu người và khó thở.

- Có cảm giác choáng váng, chóng mặt, và có thể nôn.

Mức độ nghiêm trọng, thời gian và tính chất cơn đau thắt ngực có thể khác nhau ở từng đối tượng. Tuy nhiên cơn đau thắt ngực điển hình do bệnh lý tim mạch vành thường khởi phát sau hoạt động gắng sức và có xu hướng thuyên giảm trong vòng vài phút sau nghỉ ngơi hoặc uống thuốc trợ tim.

3. Nguyên nhân gây đau thắt ngực

Đau thắt ngực thường xuất hiện khi bệnh nhân có những hoạt động thể chất hoặc khi có cảm xúc mạnh, hồi hộp. Các động mạch vành bị hẹp và xơ vữa chỉ có thể cung cấp đủ máu đến tim lúc nhu cầu oxy thấp.

Tuy nhiên, khi cơ thể hoạt động gắng sức: đi bộ, leo cầu thang tim sẽ làm việc nhiều hơn và cần nhiều oxy hơn nên sẽ gây thiếu máu tim và đau ngực.

Có nhiều dạng cơn đau thắt ngực:

- Đau thắt ngực ổn định (hội chứng mạch vành mạn): Là dạng phổ biến nhất thường xảy ra khi hoạt động gắng sức và giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc.

- Đau thắt ngực không ổn định: Là một cấp cứu y khoa. Đây là cơn đau không ổn định, xảy ra không thể đoán trước và thậm chí xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi. Cơn đau sẽ không giảm khi nghỉ ngơi và kéo dài hơn cơn đau thắt ngực ổn định. Cơn đau thắt ngực không ổn định diễn tiến nghiêm trọng và có thể là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.

- Đau thắt ngực Prinzmetal: Là tình trạng không phải do bệnh mạch vành. Nguyên nhân là do sự tự co thắt của động mạch vành làm giảm lưu lượng máu tạm thời thường xảy ra theo chu kỳ, nhất là khi nghỉ ngơi và ban đêm.

Các cơn đau thắt ngực hay xảy ra khi hoạt động gắng sức.

4. Các yếu tố nguy cơ gây đau thắt ngực

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:

Cao huyết áp: Huyết áp cao trong thời gian dài làm tổn thương các động mạch.
Hút thuốc: Tiếp xúc với khói thuốc trong thời gian dài sẽ phá hủy các động mạch dẫn đến tim, khiến các mảng bám cholesterol tích tụ và làm tắc nghẽn dòng chảy của máu.
Bệnh đái tháo đường: Làm gia tăng nguy cơ bệnh mạch vành, dẫn đến đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim, làm tăng khả năng xơ vữa động mạch và tăng nồng độ cholesterol máu.
Cholesterol cao: Cholesterol làm thu hẹp các động mạch trên khắp cơ thể, nhất là động mạch cung cấp cho tim. Cholesterol "xấu", làm tăng nguy cơ đau thắt ngực và đau tim.
Có tiền sử trong gia đình mắc bệnh tim.
Tuổi cao: Nam trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Lười vận động.
Béo phì.
Căng thẳng.

5. Chẩn đoán bệnh thế nào?

Thông thường, bác sĩ sẽ kiểm tra những triệu chứng và làm một vài xét nghiệm: điện tâm đồ ECG, siêu âm tim, chụp động mạch vành, chụp MRI tim, chụp CT tim…

Nếu có dấu hiệu của tim bị tắc nghẽn, bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật thông tim (kiểm tra lưu lượng máu chảy qua tim bằng cách đặt một thiết bị từ động mạch luồn đến tim).

6. Điều trị đau thắt ngực

Mục tiêu của điều trị các cơn đau thắt ngực là cải thiện lưu lượng máu nuôi tim và cải thiện khả năng hoạt động của tim. Đầu tiên là bệnh nhân nên dành nhiều thời gian hơn để nghỉ ngơi.

- Dùng thuốc: Bác sĩ có thể kê thuốc aspirin làm giảm đông máu hoặc tiến hành dẫn xuất nitrate như nitroglycerin nhằm mở rộng tạm thời các mạch máu bị hẹp cải thiện dòng chảy của máu qua tim.

Một số thuốc khác có thể được chỉ định: thuốc ức chế beta giúp làm chậm nhịp tim và thư giãn cơ tim. Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị những bệnh: tăng huyết áp, loạn nhịp, tiểu đường hoặc nồng độ cholesterol cao trong máu… cũng được chỉ định.

- Phẫu thuật: Khi dùng thuốc không có tác dụng, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định phẫu thuật. Thông thường, phương pháp giảm đau thắt ngực là nong rộng chỗ bị hẹp hay bị tắc và đặt stent mạch vành.

Ngoài ra, một phương án khác cho các trường hợp bị tắc nghẽn mạch máu là thực hiện phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

7. Biện pháp ngăn ngừa cơn đau thắt ngực

Nên bổ sung chất xơ trong bữa ăn hàng ngày để phòng bệnh.

Bệnh tim là nguyên nhân của hầu hết các cơn đau thắt ngực có thể giảm hoặc ngăn ngừa các cơn đau thắt ngực bằng cách giảm các nguy cơ mắc bệnh về tim.

Xây dựng và thực hiện một số thói quen sống lành mạnh hằng ngày là việc quan trọng cần thực hiện ngay:

Bỏ ngay thuốc lá
Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh: hạn chế chất béo, ăn nhiều ngũ cốc, rau củ quả chứa nhiều chất xơ
Tập thể dục nhẹ nhàng, vừa sức và hiệu quả
Giảm cân nếu thừa cân
Dùng thuốc trị đau thắt ngực theo đúng chỉ định của bác sĩ
Chữa trị các bệnh gây nguy cơ đau thắt ngực: tiểu đường, cao huyết áp, cholesterol cao...
Thư giãn và nghỉ ngơi hợp lý tránh để tim làm việc quá sức.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

BS. Nguyễn Quang Anh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây