Ngày 11/11, TS.BS Lê Ngọc Long – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, bệnh viện vừa áp dụng, thực hiện thành công kỹ thuật điều trị ung thư vú mà không cần phải phẫu thuật như trước đây.
Theo đó, bệnh viện tiếp nhận một trường hợp nữ bệnh nhân đến thăm khám bệnh liên quan đến tuyến vú. Sau khi tư vấn và được bệnh nhân đồng ý, đội ngũ y bác sĩ khoa Chẩn đoán hình ảnh và Ngoại ung bướu của Bệnh viện Đa khoa Bình Dương đã tiến hành thực hiện ca sinh thiết hút chân không khối u vú cho nữ bệnh nhân.
Theo lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, đây là kỹ thuật mới, lần đầu được áp dụng tại bệnh viện mang lại nhiều lợi ích cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý tuyến vú.
Kỹ thuật sinh thiết vú có hỗ trợ thiết bị hút chân không là kỹ thuật không cần phẫu thuật giúp điều trị dứt điểm u vú lành tính (bướu sợi tuyến vú, nang vú, áp xe…) và đặc biệt giúp chẩn đoán sớm ung thư vú ngay cả khi tổn thương không sờ thấy.
Kỹ thuật này thường được bác sỹ chỉ định áp dụng cho 2 nhóm người bệnh. Đối với nhóm bệnh u vú lành tính, trước đây, bác sỹ mổ lấy khối u. Tuy nhiên, với kỹ thuật VABB, bác sỹ đưa kim vào, cắt khối u và hút ra. Bệnh nhân ít đau, không có sẹo mổ, không làm biến dạng vú, không cần nằm viện. VABB cũng ưu việt với những trường hợp phát hiện nhiều u lành. Nếu dùng phương pháp mổ mở, phải rạch nhiều đường mổ để lấy u ở nhiều vị trí khác nhau. Với VABB, chỉ 1 lần đâm kim có thể lấy nhiều khối u.
Nhóm bệnh được bác sỹ chỉ định kỹ thuật này là các bệnh nhân u vú tổn thương nhỏ nghi ngờ ác tính. Tổn thương nhỏ, nằm sâu, trên lâm sàng bác sỹ khám dễ bỏ sót do không sờ thấy khối u. Đây là trường hợp rất khó có thể tiếp cận bằng các phương pháp thông thường để có thể chẩn đoán bệnh chính xác. Với VABB, dưới hướng dẫn của siêu âm, chỉ 1 lần xuyên kim, cắt và hút toàn bộ, sau đó sẽ được gửi mô làm xét nghiệm giải phẫu bệnh.
Do toàn bộ khối u được lấy ra và gửi xét nghiệm, nên kết quả chẩn đoán sẽ chính xác hơn. Kỹ thuật này ứng dụng trong chẩn đoán sớm ung thư vú. Trước đây, khi chưa có kỹ thuật này, các bác sĩ thường phải định vị khối u trên da nhờ sự hỗ trợ của siêu âm, sau đó vẫn phải mổ mở với đường mổ dài trên da và có nguy cơ lấy không đúng tổn thương vú.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn