Theo Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ. Trong đó, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 76%. Đáng chú ý, người trẻ dưới 45 tuổi ở Việt Nam có tỷ lệ mắc bệnh này chiếm 50%.
Nhồi máu não có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, nhưng phổ biến nhất là trung niên và người cao tuổi. Nguyên nhân gây nhồi máu não là do xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, thói quen sinh hoạt không lành mạnh có thể dẫn đến nhồi máu não ở độ tuổi sớm hơn.
Bệnh xảy ra do thiếu sự cung cấp máu lên não (do hẹp, tắc mạch máu não hoặc hạ huyết áp), khác với xuất huyết não bắt nguồn từ tình trạng chảy máu não.
Một số nguyên nhân thường gặp của nhồi máu não bao gồm: Xơ vữa mạch máu; nguyên nhân từ tim gây cục huyết khối như bệnh hở van tim, rung nhĩ, rối loạn nhịp tim, suy tim; tắc các mạch máu nhỏ trong não; động mạch không xơ vữa; bệnh về máu (đông máu...).
Điều đáng lo ngại là sự khởi phát nhồi máu não diễn biến âm thầm, cấp bách, thường xảy ra đột ngột. Thời gian vàng để cấp cứu là trong vòng 2 giờ. Do vậy, nếu phát hiện ra dấu hiệu kịp thời, người bệnh có thể hạn chế tối đa tổn thương cho cơ thể. Theo chuyên gia, có 3 dấu hiệu giúp nhận biết một người có khả năng bị nhồi máu não.
Thị lực giảm mạnh
Ngày nay, người trưởng thành có thị lực đặc biệt tốt không nhiều. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, chẳng hạn họ dùng thiết bị điện tử không đúng cách tạo gánh nặng cho mắt.
Trước khi bệnh nhồi máu não diễn ra, thị lực sẽ có triệu chứng mờ. Bởi sau khi mạch máu não bị tắc, tình trạng thiếu máu sẽ khiến thần kinh thị giác bị ảnh hưởng ở mức độ nhất định. Do đó, khả năng điều chỉnh của thủy tinh thể kém đi.
Chóng mặt đột ngột
Chóng mặt là triệu chứng nhồi máu não rất phổ biến. Khi mô não không được cung cấp đủ máu gây ra chóng mặt trong thời gian ngắn, tạo cho người bệnh cảm giác lơ mơ, quay cuồng.
Thường xuyên chảy nước dãi
Nhiều người trung niên và cao tuổi thường gặp phải tình trạng chảy nước dãi khi ngủ. Thực tế, việc chảy nước dãi là một trong những biểu hiện phổ biến của nhồi máu não.
Điều này là do sự tắc nghẽn mạch máu não tương đối nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chức năng bình thường của hệ thần kinh trung ương, liên quan đến sự kiểm soát của cơ hầu họng và cơ da mặt. Từ đó dẫn đến chảy nước dãi thường xuyên, thậm chí khó nuốt nghiêm trọng.
Một số triệu chứng cảnh báo đột quỵ khác như tê yếu tay chân, méo miệng, nói đớ…
Ngoài ra, nếu nghi ngờ người nào bị nhồi máu não, bạn có thể thực hiện phương pháp kiểm tra FAST gồm 4 bước.
Face (mặt): Yêu cầu bệnh nhân cười hoặc nhe răng, một bên mặt không thể cử động được.
Arm (tay): Khi yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay lên, cánh tay một bên sẽ có biểu hiện yếu hơn bên còn lại.
Speech (lời nói): Người bệnh khó nói, dùng từ không thích hợp hoặc câm lặng.
Time (thời gian): Khi nghi ngờ bệnh nhân có các biểu hiện của nhồi máu não, gọi ngay cấp cứu và ghi nhớ thời gian triệu chứng bắt đầu xuất hiện.
Phản xạ nhanh chóng sẽ giúp người bị đột quỵ cơ hội sống sót và phục hồi tốt nhất.
Theo Aboluowang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn